Mục 5
VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ
Điều 27. Xử phạt người điều khiển xe ô tô khách, ô tô chở người vi phạm quy định về vận tải đường bộ
1. Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng đối với hành vi không hướng dẫn khách (người) ngồi đúng vị trí quy định trong xe.
2. Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy;
b) Để người ngồi trên xe khi xe lên, xuống phà, cầu phao hoặc khi xe đang ở trên phà (trừ người già yếu, người bệnh, người tàn tật);
c) Sắp xếp chằng buộc hành lý, hàng không bảo đảm an toàn; để rơi hàng trên xe xuống đường.
3. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng trên mỗi người (hành khách) vượt quá quy định được phép chở của phương tiện (trừ xe buýt) đối với hành vi: chở quá từ 02 người trở lên trên xe đến 9 chỗ ngồi, chở quá từ 03 người trở lên trên xe 10 chỗ ngồi đến xe 15 chỗ ngồi, chở quá từ 04 người trở lên trên xe 16 chỗ ngồi đến xe 30 chỗ ngồi, chở quá từ 05 người trở lên trên xe trên 30 chỗ ngồi.
4. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Đón, trả khách không đúng nơi quy định trên những tuyến đường đã xác định nơi đón trả khách;
b) Để người lên, xuống xe khi xe đang chạy;
c) Đón, trả khách tại nơi cấm dừng, cấm đỗ, nơi đường cong tầm nhìn bị che khuất;
d) Không chạy đúng tuyến, lịch trình, hành trình vận tải quy định; điều khiển xe ô tô khách liên tục quá thời gian quy định;
đ) Để người mắc võng nằm trên xe hoặc đu bám ở cửa xe, bên ngoài thành xe khi xe đang chạy;
e) Sang nhượng khách dọc đường cho xe khác mà không được khách đồng ý;
g) Xuống khách để trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của người có thẩm quyền;
h) Chở hành lý, hàng vượt quá trọng tải theo thiết kế của xe hoặc quá kích thước bao ngoài của xe; để hàng trong khoang chở khách;
i) Vận chuyển hàng có mùi hôi thối, súc vật hoặc hàng có ảnh hưởng tới sức khỏe của khách;
k) Xếp hàng trên xe làm lệch xe;
l) Xe vận chuyển khách theo hợp đồng không có phù hiệu "xe hợp đồng" hoặc có nhưng đã hết hạn; không có hợp đồng vận chuyển theo quy định;
m) Vận chuyển khách theo tuyến cố định không có phù hiệu “xe chạy tuyến cố định” hoặc có nhưng không gắn trên kính chắn gió theo quy định, hoặc không đúng tuyến xe chạy, hoặc đã hết hạn; không có “sổ nhật trình chạy xe” hoặc có nhưng không có đủ xác nhận của bến xe hai đầu tuyến theo quy định;
n) Xe vận chuyển khách du lịch không có biển hiệu (phù hiệu) theo quy định;
o) Xe vận chuyển khách không có nhân viên phục vụ trên xe theo đúng quy định.
5. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi chở hàng trái pháp luật.
6. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Vận chuyển hàng độc hại, dễ cháy, dễ nổ trên xe khách; điều khiển xe không đăng ký tham gia kinh doanh vận tải khách mà chở khách (xe dù);
b) Để người đứng, ngồi, nằm trên mui xe, nóc xe, trong khoang chứa hành lý khi xe đang chạy.
7. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây:
a) Vi phạm khoản 3 (trường hợp vượt trên 50 % đến 100 % số người, khách quy định được phép chở của phương tiện), điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i, điểm k, điểm l, điểm m khoản 4, khoản 5 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;
b) Vi phạm khoản 6 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 (sáu mươi) ngày; vi phạm khoản 3 Điều này (trường hợp vượt trên 100 % số người, khách quy định được phép chở của phương tiện) bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn.
Điều 28. Xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô vận chuyển hàng
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Vận chuyển hàng trên xe phải chằng buộc mà không được chằng buộc chắc chắn; xếp hàng trên nóc buồng lái; xếp hàng làm lệch xe;
b) Chở hàng vượt quá trọng tải thiết kế được ghi trong giấy đăng ký xe mà chưa đến mức vi phạm quy định tại điểm a khoản 2, điểm b khoản 3 Điều này.
2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chở hàng vượt trọng tải thiết kế được ghi trong giấy đăng ký xe từ 10% đến 40% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và từ 5% đến 30% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên;
b) Xếp hàng trên nóc thùng xe; xếp hàng vượt quá bề rộng thùng xe; xếp hàng vượt phía trước, phía sau thùng xe trên 10% chiều dài xe;
c) Chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép đối với xe ô tô tải thùng hở (không mui);
d) Chở người trên thùng xe trái quy định; để người ngồi trên mui xe, đu bám bên ngoài xe khi xe đang chạy.
3. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Chở hàng trái pháp luật;
b) Chở hàng vượt trọng tải thiết kế được ghi trong giấy đăng ký xe trên 40% đối với xe có trọng tải dưới 5 tấn và trên 30% đối với xe có trọng tải từ 5 tấn trở lên.
4. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây:
a) Vi phạm khoản 2, điểm b khoản 3 Điều này bị buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định;
b) Vi phạm điểm a, điểm b, điểm d khoản 2 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày; vi phạm điểm c khoản 2, khoản 3 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 (sáu mươi) ngày; tái phạm điểm a khoản 3 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe không thời hạn.
Điều 29. Xử phạt người điều khiển xe ô tô có các hành vi vi phạm quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm chở hàng siêu trường, siêu trọng không thực hiện đúng quy định trong giấy lưu hành; không có báo hiệu kích thước của hàng.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm chở hàng siêu trường, siêu trọng không có giấy lưu hành theo quy định.
3. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày; vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 (sáu mươi) ngày.
Điều 30. Xử phạt người điều khiển xe ô tô có các hành vi vi phạm quy định về vận chuyển chất gây ô nhiễm môi trường, hàng nguy hiểm
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Vận chuyển hàng nguy hiểm mà dừng xe, đỗ xe ở nơi đông người, khu dân cư, công trình quan trọng hoặc nơi dễ xảy ra nguy hiểm; không có báo hiệu hàng nguy hiểm theo quy định;
b) Vận chuyển các chất gây ô nhiễm môi trường không theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.
2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển hàng nguy hiểm không có giấy phép hoặc có nhưng không thực hiện đúng quy định trong giấy phép.
3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vận chuyển chất thải nguy hại hoặc có chứa chất phóng xạ không theo đúng quy định về bảo vệ môi trường.
4. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày; vi phạm khoản 3 Điều này bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 60 (sáu mươi) ngày.
Điều 31. Xử phạt người điều khiển xe buýt, xe vệ sinh, xe chở phế thải, vật liệu rời và xe chở hàng khác có các hành vi vi phạm quy định về hoạt động vận tải trong đô thị
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với người điều khiển xe buýt chạy không đúng tuyến đường, không đúng lịch trình; dừng xe, đỗ xe không đúng nơi quy định; người điều khiển xe vệ sinh công cộng, xe ô tô chở phế thải, vật liệu rời và xe chở hàng khác không chạy đúng tuyến, phạm vi, thời gian quy định.
Điều 32. Xử phạt người điều khiển xe taxi, chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người điều khiển xe taxi không có giấy chứng nhận tập huấn theo quy định.
2. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người điều khiển xe taxi có hành vi tranh giành khách.
3. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người điều khiển xe taxi điều khiển xe không có phù hiệu theo quy định.
4. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với chủ doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi vi phạm một trong các hành vi sau đây:
a) Sử dụng loại xe ô tô chở người có thiết kế từ 10 chỗ ngồi trở lên làm xe taxi;
b) Xe không có hộp đèn taxi; không lắp đồng hồ tính tiền cước hoặc lắp đồng hồ tính tiền cước không đúng quy định;
c) Mầu sơn của xe, biểu trưng của doanh nghiệp, số điện thoại giao dịch ghi trên xe không đúng với đăng ký của doanh nghiệp;
d) Có xe chở khách theo hình thức taxi mà không có đăng ký kinh doanh taxi;
đ) Sử dụng người chưa đủ 21 tuổi điều khiển xe taxi.
5. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, doanh nghiệp vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp sau đây:
a) Người điều khiển xe taxi có hành vi vi phạm khoản 1, khoản 2 Điều này còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 (ba mươi) ngày;
b) Doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng taxi có hành vi vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 4 Điều này bị buộc phải lắp hộp đèn taxi, đồng hồ tính tiền cước hoặc thực hiện theo đúng quy định trong đăng ký của doanh nghiệp; trường hợp phát hiện doanh nghiệp có nhiều xe (từ 5 xe trở lên) vi phạm quy định tại điểm b, điểm c khoản 4 Điều này hoặc doanh nghiệp vi phạm điểm d khoản 4 Điều này thì đình chỉ hoạt động của doanh nghiệp cho đến khi khắc phục xong vi phạm.
No comments:
Post a Comment