domain, domain name, premium domain name for sales

Monday, November 2, 2009

7 bất cập trong nghị định xử phạt về giao thông

7 bat cap trong nghi dinh xu phat ve giao thong
Chế tài xử lý xe môtô thiếu thiết bị an toàn còn quá nhẹ

Nghị định số 146/2007/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ vừa mới ban hành đã bộc lộ bảy bất cập, khiếm khuyết khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn, chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của độc giả về vấn đề này.

Một là, điều 15, khoản 2 (mục b), khoản 3 (mục a, NĐ 146) quy định xử phạt việc xây dựng lều quán, nhà ở, công trình kiên cố... vi phạm đất dành cho đường bộ không có trong Luật Giao thông. Như vậy, đất dành cho đường bộ - là thuật ngữ "ngoại đạo", không thể bao gồm cả đất của đường bộ và hành lang an toàn đường bộ. Điều 15 quy định như thế sẽ không xử lý, dỡ bỏ được lều quán, nhà ở, công trình kiên cố... xây dựng vi phạm hành lang an toàn đường bộ (một trong những khâu đang yếu kém nhất về quản lý hạ tầng giao thông hiện nay).

Hai là, điều 19, khoản 4 (mục d) chỉ quy định xử phạt người lái ôtô "không có giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường". Chứ không có quy định xử phạt người lái ôtô xả khí thải không đạt tiêu chuẩn cho phép. Dẫn đến thực tế, ôtô có xả khói đen ngòm như khói lò gạch di động, cảnh sát giao thông (CSGT) trông thấy cũng chỉ biết "chào thua" - khi lái xe xuất trình đầy đủ giấy hoặc tem kiểm định đang còn hạn sử dụng; mặc dù tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện nay đã chế tạo được loại máy xách tay kiểm tra khí thải ôtô để trang bị cho CSGT tuần tra kiểm soát cơ động trên đường. Về khí thải ôtô đã vậy, còn khí thải môtô, xe gắn máy thì Nghị định 146 thả nổi hoàn toàn. Trong khi Luật Giao thông đường bộ (Điều 48) quy định ôtô, môtô, xe gắn máy phải đảm bảo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường (có đủ bộ phận giảm khói).

Ba là, phanh (thắng), gương chiếu hậu... là những thiết bị an toàn hết sức cần thiết - bắt buộc đối với môtô, xe gắn máy, vì nó liên quan trực tiếp đến tai nạn giao thông (TNGT). Thế nhưng, điều 20 (NĐ 146) quy định chế tài phạt quá nhẹ (mức phạt tiền từ 50.000 đến 100.000 đồng). Trong khi đó, người đi môtô không đội mũ bảo hiểm thì điều 9 quy định phạt tiền tới 200.000 đồng.

|

Bốn là, tình trạng môtô, xe gắn máy từ tỉnh nọ mua bán, chuyển vùng về tỉnh kia, từ người này bán cho người khác mà không làm thủ tục chuyển vùng, sang tên đổi chủ còn tương đối phổ biến, gây khó khăn cho công tác điều tra TNGT (khi lái xe gây tai nạn bỏ chạy). Song về tình trạng lỗi vi phạm này, điều 34 chỉ quy định phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng là chưa thoả đáng.

Năm là, người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi điều khiển môtô - vi phạm Luật Giao thông đường bộ; theo điều 24 (Nghị định 146) chỉ bị phạt tiền từ 40.000 đến 60.000 đồng, không đủ sức răn đe đối với những học sinh THPT chưa đủ 18 tuổi.

Sáu là, người đi môtô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm rởm cũng "vô tư" như người đội mũ bảo hiểm thật. Vì điều 9 chỉ quy định phạt tiền người đi môtô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, chứ không quy định cấu tạo và tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn (TCVN) của mũ. Hậu quả, sẽ rất hạn chế tác dụng của việc bắt buộc người đi môtô, xe gắn máy đội mũ bảo hiểm.

Bảy là, phương tiện ôtô sẽ rất phát triển ở nước ta trong tương lai gần. Đó là xu thế tất yếu và là tiến bộ xã hội. Vì vậy, Luật Giao thông đường bộ (Điều 9) đã quy định xe ôtô có trang bị dây an toàn thì người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ôtô phải thắt dây an toàn. Nhưng điều 8 (NĐ 146) quy định phạt tiền người không thắt dây an toàn ôtô chỉ từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng, so với phạt tiền người đi môtô không đội mũ bảo hiểm (tới 200.000 đồng) là còn... "nhất bên trọng, nhất bên khinh".

Kiến nghị hai bộ: Giao thông Vận tải, Công an xem xét bảy bất cập, khiếm khuyết nêu trên và hiệu chỉnh, trình Chính phủ quy định bổ sung cho Nghị định số 146 hoàn thiện hơn - đi vào thực tế cuộc sống, xã hội.

Nguyễn Thành Lập (PGĐ Trung tâm Kỹ thuật, an toàn giao thông Trường Đại học Xây dựng)

(theo Lao Động)

No comments:

Post a Comment