domain, domain name, premium domain name for sales

Monday, November 9, 2009

Phòng tránh TNGT - Sơ cấp cứu tai nạn giao thông

I. TÓM TẮT CÁC BƯỚC SƠ CẤP CỨU TAI NẠN GIAO THÔNG


Các bước sơ cấp cứu tai nạn giao thông chỉ rõ từng bước các hành động cần tiến hành của người cứu hộ.

Những điều cần làm:

§ Bảo vệ nạn nhân và gọi cấp cứu.

§ Xác định tổn thương và tiến hành sơ cấp cứu.

§ Vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế (nếu cần thiết).

Ngừng tim trong tai nạn giao thông là hậu quả chấn thương. Do vậy, không có máu chảy qua tim và mạch. Trong trường hợp này, việc ép tim ngoài lồng ngực là không cần thiết bởi vì sẽ không có hiệu quả. Kỹ năng này nằm ngoài chương trình Sơ cấp cứu tai nạn giao thông.

II. CÁC KỸ NĂNG SƠ CẤP CỨU CƠ BẢN TAI NẠN GIAO THÔNG

1. Bảo vệ nạn nhân và gọi cấp cứu

Mọi tình huống tai nạn đều có thể tạo ra những nguy hiểm mới. Khi thiếu sự can thiệp của người cứu hộ thì tính mạng của nạn nhân và những người xung quanh có thể bị đe dọa. Mọi nguồn nguy hiểm phải được tách rời hay loại bỏ.

Nếu không thể loại bỏ nguồn nguy hiểm đó ngay thì nạn nhân cần được di chuyển khẩn cấp khỏi nguồn nguy hiểm.

Bước đầu tiên của quá trình sơ cấp cứu là người cứu hộ gọi cấp cứu ngay sau khi quan sát và phân tích tình huống, điều đó cho phép thực hiện sơ cứu khẩn cấp phù hợp hoặc là có phương tiện để vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện gần nhất.

Những điều cần làm :

§ Quan sát hiện trường và thu thập thông tin.

§ Quan sát nạn nhân, gọi 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất.

§ Di chuyển nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm (nếu cần thiết)

2. Nạn nhân còn tỉnh

a. Cầm máu

Khi nạn nhân bị chảy máu quá nhiều, nếu không can thiệp kịp thời thì tính mạng nạn nhân sẽ bị đe dọa. Chúng ta phải tiến hành cầm máu ngay lập tức bằng cách ấn tay trực tiếp vào chỗ có máu chảy, nếu có thể thì nên đi găng tay.

Nếu máu vẫn tiếp tục chảy mặc dù đã cầm máu trực tiếp hoặc là không thể tiến hành ấn tay trực tiếp vào vết thương vì vết thương có kèm dị vật, cần tiến hành cầm máu bằng cách ấn điểm cầm máu.

Trong trường hợp người cứu hộ chỉ có một mình để sơ cấp cứu, hoặc trong trường hợp có nhiều nạn nhân cần được sơ cấp cứu, và việc tiến hành ấn điểm cầm máu không hiệu quả, thì việc ấn điểm cầm máu được thay bằng băng garô. Băng garô thực hiện với một miếng băng vải dài rộng ở cánh tay và đùi nạn nhân.

Những điều cần làm :

§ Ấn trực tiếp vào vết thương bằng gạc, vải sạch (tránh tiếp xúc trực tiếp với máu).

§ Ấn gián tiếp vào điểm cầm máu nếu vết thương có dị vật.

§ Đặt garô cầm máu nếu các phương pháp trên không hiệu quả.

§ Theo dõi băng garô.

Chú ý : phải ghi giờ đặt garô và nới garô hàng giờ.

b. Tắc thở hoàn toàn

Nạn nhân trong tình trạng tắc thở hoàn toàn do có dị vật ở đường thở. Nạn nhân còn tỉnh nhưng không thở nữa. Nếu không thực hiện sơ cấp cứu ngay thì tính mạng nạn nhân sẽ bị đe dọa. Do vậy, chúng ta phải tiến hành làm thông đường thở ngay lập tức.

Những điều cần làm :

§ Thực hiện ngay kỹ năng làm thông đường thở : Vỗ vào lưng nạn nhân và dùng thủ thuật Hemlic đứng.

c. Khó thở

Nạn nhân có dấu hiệu xấu về chức năng của phổi. Nạn nhân thở nhanh gấp, tiếng thở khò khè, môi và móng tay thâm tím, toát mồ hôi.

Những điều cần làm :

§ Đặt nạn nhân ở tư thế nghỉ nửa nằm nửa ngồi, hoặc ngồi.

d. Choáng

Nạn nhân có dấu hiệu xấu về chức năng của tim, nạn nhân xanh tái, khát nước và toát mồ hôi.

Những điều cần làm :

§ Đặt nạn nhân ở tư thế nằm kê cao chân để tăng lượng máu chảy về đầu nạn nhân.

e. Chấn thương

Các vết thương nặng

Khi nạn nhân có một vết thương nặng, mà vết thương này có thể dẫn đến chảy máu bên trong cơ thể, hoặc là khó thở hoặc là nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng và trầm trọng hơn. Do vậy, chúng ta phải đặt nạn nhân ở tư thế hồi phục và gọi cấp cứu.

Vết thương vùng ngực :

Nếu nạn nhân có vết thương nặng ở vùng ngực thì sẽ đặt nạn nhân ở tư thế nửa nằm nửa ngồi hoặc ngồi để nạn nhân dễ thở.

Những điều cần làm :

§ Đặt nạn nhân ở tư thế nửa nằm nửa ngồi.

§ Nếu vết thương hở : Nút kín vết thương và băng lại.

Vết thương bụng hở :

Nếu nạn nhân có vết thương nặng ở vùng bụng thì sẽ đặt nạn nhân nằm ngửa, hai đầu gối co lại làm giãn cơ vùng bụng và giảm đau.

Những điều cần làm :

§ Giữ nguyên vết thương, dùng bát hoặc hộp cứng úp lên vết thương và băng lại.

§ Để nạn nhân nằm ngửa, hai đầu gối co lại, kê chân lên cao.

Vết thương sọ não hở :

Những điều cần làm :

§ Giữ nguyên vết thương, dùng bát úp lên vết thương và băng lại.

§ Kỹ năng băng bó vết thương.

Gãy xương

Nạn nhân bị chấn thương ở xương và khớp. Các thao tác không đúng sẽ làm cho nạn nhân rất đau, chấn thương sẽ phức tạp và trầm trọng hơn. Do vậy, cần phải cố định vùng bị chấn thương.

Cần phải cố định vùng nghi ngờ bị gãy xương bằng việc cố định phần khớp ở phía trên và phía dưới vùng bị thương.

Nếu nạn nhân bị chấn thương ở lưng, cổ - đầu, các thao tác không đúng có thể làm phức tạp thêm và gây hậu quả nghiêm trọng như bị liệt. Do vậy, cần phải tránh mọi cử động và hai tay giữ chặt đầu nạn nhân.

Việc di chuyển nạn nhân chỉ được tiến hành khi bắt buộc và phải giữ ổn định tối đa vùng đầu (đầu, cổ, phía trên phần lưng).

Những điều cần làm :

§ Dùng nẹp và dây buộc cố định phần trên và dưới chỗ gãy.

§ Nếu không có nẹp dùng các vật dụng thay thế hoặc dùng dây buộc tay cố định vào thân (nếu gãy tay) và buộc cố định chân gãy vào chân lành (nếu gãy chân).

§ Tổn thương cột sống phải cố định phần cổ và lưng rồi đặt lên cáng cứng.

Kỹ năng cố định gãy xương

3. Nạn nhân bất tỉnh

Nạn nhân không còn tiếp xúc được nhưng vẫn thở. Nếu đặt nạn nhân nằm ngửa, lưỡi sẽ bị tụt vào trong và dịch nôn ở trong cổ họng sẽ làm nạn nhân khó thở và dẫn đến ngừng thở. Chúng ta phải làm thông ngay đường thở và đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn.

Phụ nữ mang thai được đặt ở tư thế nằm nghiêng bên trái để cho máu lưu thông.

Những điều cần làm :

§ Đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn, nửa người bị thương sẽ ở phía dưới.

§ Đối với phụ nữ mang thai được đặt ở tư thế nằm nghiêng bên trái.

III. VẬN CHUYỂN NẠN NHÂN

Khi có sự hỗ trợ để giúp đỡ nạn nhân (cấp cứu 115 hay giúp đỡ của người qua đường, thân nhân nạn nhân), chuyển nạn nhân lên cáng sẽ được tiến hành bảo đảm an toàn cho vùng cột sống bởi 3 hay 4 người. Việc đặt nạn nhân lên cáng cho phép di chuyển nạn nhân ít bị cử động va chạm nhất ở vùng lưng.

Các kỹ năng di chuyển nạn nhân phụ thuộc vào vết thương của nạn nhân.

No comments:

Post a Comment