domain, domain name, premium domain name for sales

Thursday, November 11, 2010

Làm cách nào để không bị ‘ăn chặn’ khi mua xăng?

Chiêu gian lận của các cây xăng ngày càng tinh vi và khó nhận biết hơn. Một số cách sau đây sẽ giúp bạn hạn chế tình trạng “ăn chặn” đang ngang nhiên diễn ra.

Nhiều khách hàng cho rằng, mỗi lần mua xăng là một lần phải chấp nhận rủi ro. Một kết quả thanh tra của Bộ Khoa học và Công nghệ cuối năm 2008 cho thấy: có 225 cây xăng, chiếm 17% trong tổng số 1.312 cửa hàng tại 48 tỉnh thành được kiểm tra có vi phạm về đo lường và chất lượng.

Sự việc gần đây nhất là vụ bắt quả tang cây xăng “móc túi” khách hàng lớn kỷ lục của doanh nghiệp tư nhân Hoàng Xuân Lộc tại xóm 7, Cổ Nhuế, Từ Liêm (ngay ngã tư Cổ Nhuế – Phạm Văn Đồng). Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã bắt quả tang doanh nghiệp này có hành vi sử dụng hệ thống chip điện tử được cài đặt, giấu trong máy bơm xăng để “ăn cắp” xăng của người tiêu dùng. Chip điện tử này đấu nối bằng hệ thống dây dẫn chôn ngầm dưới đất dẫn vào phòng điều hành phía trong cây xăng.

muaxang_2971
Nhiều khách hàng cho rằng, mỗi lần mua xăng là một lần chấp nhận rủi ro

Hệ thống chip điện tử này được nhân viên điều khiển bằng máy tính trung tâm phía trong phòng điều hành nên khách hàng không thể phát hiện được. Doanh nghiệp này từng được Trung tâm đo lường Việt Nam cấp Giấy chứng nhận kiểm định cột đo nhiên liệu đạt yêu cầu kỹ thuật đo lường ngày 17/8/2009.

Như vậy, không hẳn những cây xăng được kiểm định thì sẽ làm ăn ngay thẳng. Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu một số cách có thể giúp hạn chế phần nào những “rủi ro” mà khách hàng gặp phải khi đi mua xăng.

Mua xăng theo dung tích

Thông thường chúng ta hay mua xăng theo tiền, và số tiền chẵn như 20.000, 30.000, 50.000 đồng… Tuy vậy, cách mua này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi gian lận, do hiện tượng “nhảy số tiền” mà đôi khi khách hàng không để ý. Để tránh tình trạng này, bạn nên mua xăng theo dung tích, ví dụ: 1 lít, 2 lít…

Các chương trình ăn cắp thường lập trình theo số tiền, vì vậy, nếu chuyển qua cách mua theo thể tích, bạn sẽ có “cơ may” thoát được móc túi. Ngoài ra, nếu có điều kiện, bạn hãy mua xăng bằng can có thang đo, sau đó mới đổ vào xe. Với cách trên, hầu hết cây xăng không thể lừa gạt khách hàng. Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này ít phổ biến do sự bất tiện của nó.

Nên mua xăng ở các cây xăng có nhiều lái xe taxi hay xe tải ghé vào

Những lái xe taxi hay xe tải là những người thường xuyên đi lại, do đó họ có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề xăng dầu hơn chúng ta. Họ là những người đi đầu trong việc tìm kiếm các cây xăng tốt, bởi vì nếu bị gian lận thì số tiền thiệt hại có thể lên đến hàng trăm nghìn mỗi lần mua. Hãy chú ý quan sát hoặc tham khảo ý kiến các bác tài nếu quen biết.

Không mua xăng khi có hai người cùng thao tác

Khi bạn nhận thấy một cột bơm xăng có tới 2 người cùng thao tác: 1 người bơm và một người bấm số, thì có tới 95% khả năng cây xăng có gian lận. Nhân viên có thể viện lý do rằng vì quá đông khách nên cần 2 người làm cho nhanh, nhưng thực tế có thể, họ đang móc túi khách hàng trắng trợn.

Bản thân người viết bài cũng nhiều lần chứng kiến hành vi này của các cây xăng. Nếu như khách mua 20.000 đồng thì đồng hồ đo sẽ nhảy số khi được 14.000 – 16.000 đồng. Còn nếu bạn mua từ 30.000 đồng trở lên, thường chỉ có 2/3 số tiền đó chuyển thành xăng của bạn.

Yêu cầu nhân viên chuyển đồng hồ về “0” trước khi bơm

Với lý do khách hàng nhiều, hoặc do đứng xa trụ bơm nên nhiều nhân viên thường để nguyên đồng hồ ở những lần bơm trước, và tiếp tục bán xăng cho bạn. Việc này dù vô tình hay cố ý thì người chịu thiệt sẽ là bạn, bởi luôn có sai số trong phép tính trừ giá tiền giữa 2 lần bơm.

Nên so sánh giữa các lần mua xăng

Đã có xe máy thì tất yếu phải đổ xăng. Nhiều thì tuần vài lần, ít thì có thể vài tuần một lần. Tùy vào nơi sinh sống và công tác, học tập mà bạn có những tuyến đường thường xuyên qua lại. Do đó, một số cây xăng sẽ là “bến đỗ” thân quen với mỗi người.

Tuy nhiên, trong số các bến đỗ, hãy chọn ra một nơi tin tưởng. Cách kiểm tra: mỗi lần đổ xăng chỉ một lượng nhất định và sau đó ghi nhớ vị trí kim xăng. Nếu sau nhiều lần đổ xăng tại đó và một số nơi khác với cùng lượng như vậy mà thấy kim xăng không chênh lệnh thì bạn có thể tin tưởng được. Việc thống kê nhiều lần mua xăng nên có đầy đủ các tiêu chí: số lít, số tiền, đơn giá, số km đi được, thời gian giữa các lần mua…

Không nên đổ quá nhiều xăng khi mua ở các cây xăng “lạ”

Cây xăng “lạ” ở đây là những địa điểm lần đầu tiên bạn đổ xăng, cũng có thể là cây xăng mà bạn cảm thấy không tin tưởng. Hãy ước lượng xem bạn cần bao nhiêu xăng để hoàn thành chuyến đi và có thể đến được cây xăng “quen”.

Việc chia nhỏ lượng xăng mỗi lần mua cũng giúp bạn kiểm soát được chi phí và giảm thiếu thiệt hại nếu vào nhầm cây xăng gian. Nếu đổ đầy bình, bạn có thể mất khoảng vài chục nghìn đồng, thiệt hại sẽ giảm đi một nửa nếu bạn đổ lưng bình xăng.

Quan sát kỹ khi mua xăng

Thứ nhất, bạn có thể phát hiện được những biểu hiện bất minh của nhân viên trạm xăng. Thứ hai, bạn biết được đồng hồ xăng đã hiển thị đủ hay chưa, có bị nhảy số hay không. Một số cây xăng có “mánh” kéo dài dây bơm xăng ra xa để khách hàng khó quan sát đồng hồ, bạn cũng nên lưu ý. Nếu phát hiện gian lận, dù không có bằng chứng cụ thể thì bạn cũng sẽ biết đường mà tránh cây xăng đó trong những lần mua xăng sau này. Ngoài ra có thể khuyến cáo người thân và bạn bè giúp họ không bị móc túi.

Theo Đất Việt

No comments:

Post a Comment