Nếu tấn công vào hệ thống máy tính trên ôtô, các tin tặc có thể khiến hệ thống phanh tê liệt, động cơ dừng hoạt động và gây ra những thiệt hại không thể lường trước.
Trong các tài liệu sẽ được trình bày tại một hội nghị an ninh diễn ra tại Oakland (California) vào tuần này, các nhà nghiên cứu ở một số trường đại học Mỹ cho biết, bằng cách kết nối với máy tính trên xe, các hacker có thể thực hiện những hành vi phá hoại nghiêm trọng. Trong đó có việc ngắt phanh, thay đổi số liệu ở máy đo tốc độ, làm điều hòa thổi gió nóng hay đổi tần số radio, thậm chí chốt cửa nhốt hành khách trong xe.
Máy tính giúp kiểm soát nhiều hệ thống trên những loại xe mới, trong đó có hệ thống chống bó cứng phanh. Ảnh: AP. |
Cuối năm 2009, trong một buổi thử nghiệm ở một sân bay tại Blaine Washington, các nhà nghiên cứu cho thấy họ có thể thâm nhập vào hệ thống phanh điện tử của một chiếc xe đang chạy và ngăn chặn tài xế phanh xe. Người lái lúc đó có đạp phanh mạnh đến đâu cũng không ăn thua.
Trong những cuộc thí nghiệm khác, hacker còn có thể làm chết động cơ, làm sai lệch đồng hồ đo tốc độ và tự động khóa phanh một cách thất thường, một thao tác khiến chiếc xe mất ổn định khi chạy ở tốc độ cao.
Điểm mấu chốt của cuộc nghiên cứu không phải là hăm dọa các tài xế, vốn dĩ đã căng thẳng bởi những câu chuyện về hoạt động thất thường của các phần mềm trên xe, lỗi chân phanh và những vụ triệu hồi khổng lồ mới đây. Mà mục đích nhằm cảnh báo ngành công nghiệp ôtô cần giữ an toàn cho khách hàng, song song với việc phát triển hệ thống máy tính tinh vi trên xe.
Stefan Savage, một Phó giáo sư ở Đại học California (San Diego, Mỹ) cho biết, kẻ tấn công có thể lập chương trình giả định cũng như kết nối với một số loại máy tính trên xe của nạn nhân, từ đó phong tỏa các hệ thống. Ngoài ra, chúng còn dòm ngó tới các hệ thống không dây và đường truyền Internet mà ngành công nghiệp ôtô đang mạnh tay phát triển cho các mẫu xe tương lai. Bởi vậy, các nhà nghiên cứu cho rằng còn rất nhiều vấn đề liên quan khác phải quan tâm.
Minh Thủy
Theo PC World, NYT
No comments:
Post a Comment