domain, domain name, premium domain name for sales

Tuesday, August 21, 2012

Phanh xe thế nào cho an toàn?


Theo các chuyên gia về lái xe an toàn, một trong những trường hợp nguy hiểm nhất đối với tất cả các lái xe là thao tác khi xuống đèo. Trong những tình huống này kể cả xe được trang bị các hệ thống hiện đại hỗ trợ phanh hay thiết bị an toàn khác như: ABS, BA, ESP... cũng không thể tránh khỏi sự cố nếu như lái xe không thao tác phanh đúng cách.

Ảnh: T.K

Ông Vũ Hoàng Lâm - Giám đốc Dịch vụ Công ty Ford Việt Nam cho biết, điều đầu tiên lái xe cần nhớ khi xe đổ đèo là phải giảm tốc độ xuống mức an toàn từ trước khi vào cua và hạn chế tăng hoặc giảm tốc độ khi đang cua. Đối với những xe số sàn, bạn  đạp chân phanh với lực vừa phải tùy theo tình huống phanh gấp hay chỉ nhấp nhẹ rà phanh để giảm tốc từ từ, chân trái không tác động vào côn. Khi xe đã giảm tốc đến vận tốc mong muốn thì đạp côn chuyển số về 1 hoặc 2 hoặc 3 cấp tùy vận tốc xe sau khi phanh đang là bao nhiêu. Nhiều người quan niệm là khi phanh hoặc xe đang đổ đèo nên đạp cắt côn để tiết kiệm xăng, trong trường hợp này không nên tiết kiệm như vậy bởi khi cần phanh thì càng phải để côn bám và tận dụng sức gìm của động cơ. Khi xe đổ đèo  không có động cơ giúp đỡ, hệ thống phanh sẽ phải chịu áp lực lớn hơn. Để côn bám, không những động cơ mà máy nén khí của hệ thống điều hòa cũng góp phần gìm xe.

Khi phanh gấp với những xe không có ABS, bạn nên đạp phanh và giữ chặt cho đến khi cảm thấy bánh bị bó và trượt thì nhả ra rồi lại đạp mạnh, lặp lại liên tục. Thao tác này giúp xe phanh gấp không bị trượt xoay ngang vì bánh bị bó cứng. Lưu ý rằng khi phanh không tác động đến chân côn. Việc phanh gấp với xe có ABS thao tác đơn giản hơn nhiều, chỉ cần đạp phanh thật lực và giữ chặt chân phanh, bạn không phải lo bánh xe bị bó cứng bởi đã được hệ thống ABS xử lý (lúc này chân phanh sẽ có hiện tượng giật cục vì khi đó ABS đang thực hiện phanh nhấp nhả liên tục để giúp bạn phanh gấp mà không bị trượt). Khi phanh gấp đến lúc xe gần như dừng hẳn mới đạp côn để ngắt động cơ và cầu chủ động để xe không bị chết máy. Ngay sau khi phanh gấp bạn nên quan sát gương chiếu hậu để chuẩn bị tư thế giảm thiểu chấn thương nếu thấy xe đằng sau đang chuẩn bị lao vào mình.

Một kinh nghiệm phanh quý báu dành cho những lái xe đường trường mà ông Hà Quốc Huy - Giám đốc chi nhánh phía Bắc của Công ty BMW Euro Auto là, cần lưu ý các biển báo bắt đầu vào khúc cua. Nếu biển cảnh báo cua gấp, nhất thiết phải rà phanh giảm tốc ngay lập tức trước khi vào cua. Lực ly tâm không những phụ thuộc vào góc cua (cua càng gấp lực ly tâm càng lớn), mà còn phụ thuộc vào gia tốc của xe khi đang cua. Nhưng mọi chuyện lại hoàn toàn khác nếu bạn đạp thêm ga tăng tốc hoặc đạp phanh giảm tốc, khi đó gia tốc bị thay đổi và xe có nguy cơ bị lật rất cao. Hơn nữa, lực ma sát ngang cũng giảm nhiều khi đang cua nên còn có nguy cơ trượt và văng đuôi rất nguy hiểm. Do đó, bạn không nên vào cua tốc độ cao và luôn nhớ giảm tốc đến vận tốc an toàn từ trước khi vào cua và hạn chế tăng hoặc giảm tốc độ khi đang cua.

Cũng theo ông Hà Quốc Huy, những thao tác sai, phán đoán không đúng của tài xế khi xe đổ đèo thường để lại hậu quả lớn hơn nhiều so với các trường hợp khác. Bởi vậy lái xe cần nắm vững các kỹ năng đổ đèo. Khi đổ đèo bạn nên nhìn biển báo, để còn biết đoạn dốc dài ngắn bao nhiêu, độ dốc lớn hay nhỏ để có sự chuẩn bị. Dùng phanh để giảm tốc độ kết hợp về số.

Khi xe bắt đầu thả dốc, giữ tốc độ 40 - 50 km/h với số 4, vòng tua máy khoảng 2.200 vòng/phút tùy từng xe. Tiếp theo là thả hoàn toàn chân ga, không đạp côn. Lúc này bạn sẽ nghe thấy tiếng máy xe to dần và xe trôi nhanh dần, khi đó nên nhấp phanh để giảm tốc xuống rồi lại thả phanh. Tuyệt đối không thả trôi và không tắt máy khi đổ đèo. Bởi khi đổ đèo bạn cần phải  tận dụng động cơ, máy nén khí điều hòa để gìm xe hỗ trợ cho phanh.

Kỹ thuật dồn số thấp để phanh bằng số đòi hỏi phải đồng tốc và làm đúng kỹ thuật. Nếu không làm tốt thì xe bạn có thể bị cháy côn hoặc vỡ hộp số bởi khi không đồng tốc, thì bánh răng nối với cầu chủ động trong hộp số đang quay với tốc độ cao theo đà xe, trong khi động cơ đang chạy ở vòng tua khác. Việc nhả côn sẽ làm cho máy và cầu chủ động khớp vào nhau, động cơ và cầu chủ động xe kết nối, nếu chúng không có cùng vận tốc thì sẽ gây ra lực vặn rất lớn, các bánh răng số có thể bị mẻ gẫy. Việc về số cao hay thấp để gìm xe còn phụ thuộc vào độ dốc của từng con đèo để ước lượng nên dùng số mấy. Rà phanh giảm tốc về dải tốc độ phù hợp với mức số rồi chuyển số dứt khoát và không quên quan sát đồng hồ vòng tua máy để đảm bảo máy không chạy với vòng tua quá cao.

Tùng Anh
Theo Banduong

No comments:

Post a Comment