Tư thế lái chuẩn
Ông Đinh Quang Thành - Trưởng phòng Lái xe an toàn (LXAT), HVN cho biết, tư thế lái xe chuẩn sẽ giúp người lái điều khiển xe thuận tiện, tự tin, giúp lái xe giảm được mỏi mệt trong quá trình điều khiển xe. Nếu ghế ngồi được đặt quá xa thì tác dụng của dây an toàn sẽ giảm đi và nếu đặt khuỷu tay lên khung cửa kính thì không thể phản ứng kịp thời với tình huống bất ngờ. Cần lưu ý, bởi nếu không cài dây đai an toàn đúng cách, hoặc lái xe ngồi sai tư thế thì hệ thống túi khí sẽ không phát huy đúng chức năng, làm tăng nguy cơ thương tích hay tử vong khi xảy ra tai nạn...
Ông Lê Trần Việt - hướng dẫn viên LXAT của HVN cho biết, nhiều người mới lái xe thường có xu hướng gập người ra phía trước, cố gắng nắm lấy vô lăng. Ngồi như vậy sẽ không vững vì có khoảng cách giữa lưng và thành ghế. Tư thế đó còn tạo khoảng cách quá gần với túi khí, và có thể xảy ra va đập mạnh tới lái xe khi túi khí hoạt động. Ngược lại, có những người lại ngồi ngả quá nhiều về phía sau, khi xảy ra TNGT, với cánh tay duỗi thẳng họ khó điều khiển xe và có thể bị chấn thương nặng.
Theo ông Việt, để có tư thế lái xe chuẩn, cần thực hiện các bước sau: Ngồi ngay ngắn trên ghế, đừng để khoảng trống nào giữa hông của bạn và ghế xe; điều chỉnh ghế ngồi đầu gối phải hơi gập một chút sau khi đã đạp phanh hết cỡ (đối với xe số sàn, chân trái cũng phải gập lại một chút sau khi đã đạp côn hết cỡ); giữ lưng tiếp xúc với tựa lưng của ghế xe, đặt tay lên vị trí cao nhất của vô lăng, và điều chỉnh góc của tựa lưng sao cho khuỷu tay vẫn hơi gập xuống (điều chỉnh độ cao của trục tay lái và độ cao của ghế); điều chỉnh tựa đầu của ghế sao cho tai của bạn cao ngang với điểm giữa của tựa đầu.
Sau khi đã ngồi đúng tư thế chuẩn, hãy điều chỉnh gương sao cho 1/4 chiều ngang thấy một phần của xe, 2/3 chiều dọc thấy mặt đường và gương giữa có thể ước lượng được đúng khoảng cách xe phía sau; kiểm tra tra dây đai an toàn bằng cách đặt phần dây quàng qua hông ở vị trí thấp nhất của xương chậu, điều chỉnh dây qua vai sao cho không chạm vào cổ hay cằm hoặc mặt bạn, đảm bảo rằng dây an toàn không bị xoắn hay trùng...
Cách nhận biết điểm mù
Điểm mù là vùng không gian mà lái xe không thể quan sát được khi điều khiển xe thông qua các thiết bị trợ giúp như: gương chiếu hậu, gương ngoài... Điểm mù thường gặp nhất trên xe là 2 góc phần tư phía sau, do bị giới hạn bởi thân xe hoặc vùng quan sát của gương không đủ lớn. Khi một phương tiện nào đó nằm trong điểm mù sẽ rất dễ dẫn đến TNGT, bởi tài xế không có thông tin để xử lý tình huống. Theo thống kê tại Mỹ, trung bình mỗi tuần có 2 trẻ em bị xe đâm do người lái không quan sát được khi lùi hoặc tìm chỗ đỗ xe.
4 điểm mù thường gặp nhất
- Điểm mù của gương chiếu hậu: Bạn sẽ không nhìn thấy khi có xe khác ở bên phải và bên trái ngay sau xe bạn. Khi chuyển làn, chuyển hướng bạn phải quan sát cả trong gương và trực tiếp bằng mắt mình.
- Điểm mù phía sau: Phạm vi điểm mù đằng sau là rất lớn, từ ngay sau xe bạn kéo dài đến vài mét. Do đó, khi lùi xe, cần quay lại nhìn xem liệu có trẻ nhỏ hay một vật gì đó ở phía sau hay không.
- Điểm mù của cột trước (góc chữ A): Dù cột trước rất nhỏ, nhưng nó vẫn tạo ra những điểm mù. Tuy nhiên, bạn có thể loại bỏ những điểm mù này bằng cách nghiêng đầu để nhìn. Cần tạo cho mình thói quen nghiêng đầu để nhìn mỗi khi chuyển hướng.
- Điểm mù phía trước: Vẫn có những điểm mù ở ngay sát xe của bạn. Đặc biệt với dòng xe đa dụng, đa dụng thể thao có thiết kế cao hơn. Xe cao hơn giúp bạn quan sát phía trước tốt hơn, nhưng capô cũng cao hơn, làm gia tăng phạm vi của điểm mù. Vì thế, khi chuyển lái từ xe 4 chỗ sang 7 chỗ, bạn cần nắm được sự khác nhau của 2 loại xe này để phòng tránh điểm mù.
Tùng Anh
No comments:
Post a Comment