domain, domain name, premium domain name for sales

Sunday, June 20, 2010

'Nếu là lãnh đạo Sở Giao thông, tôi cũng thử bịt ngã tư'

"Không nên quá lời phê bình ngành giao thông thủ đô. Họ đang bị đưa lên vũ đài đấu với một đối thủ quá mạnh, đó là dòng phương tiện hỗn tạp cộng với ý thức tham gia giao thông kém", Tiến sĩ Khuất Việt Hùng trao đổi với VnExpress.net.

Ông Khuất Việt Hùng hiện là Viện trưởng Viện quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, Đại học Giao thông Vận tải.

- Sở Giao thông Hà Nội vừa cho dỡ bỏ một số ngã tư bị bịt. Là người từng đưa ra quan điểm, cách phân làn trên chỉ có tác dụng trong vòng 6 tháng đến 1 năm, ông nói sao về điều này?.

- Hầu hết những ai có chuyên môn về quy hoạch và quản lý giao thông đều thống nhất rằng, về nguyên tắc các giải pháp tổ chức, điều chỉnh giao thông chỉ mang tính ngắn hạn và linh hoạt. Sở dĩ, trước đây tôi nhận định giải pháp “bịt" ngã ba, tư chỉ có tác dụng trong vòng 6 tháng đến 1 năm vì tôi cho rằng, hiệu quả của nó cũng không nằm ngoài nguyên tắc trên.

Hơn nữa, nguyên nhân cơ bản của tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thủ đô hiện nay là do sự bùng nổ của phương tiện cá nhân, đặc biệt là ôtô con. Trong điều kiện năng lực cơ sở hạ tầng giao thông đô thị còn rất hạn chế, việc chúng ta "bịt" chỗ này, "nắn" chỗ kia có thể tạo ra tác động nhất thời và ngắn hạn chứ không thể giải quyết tận gốc vấn đề chống ùn tắc giao thông.

TS. Khuất Việt Hùng. Ảnh: Xuân Tùng
Tiến sĩ Khuất Việt Hùng. Ảnh: Xuân Tùng.

- Tuy nhiên, lý giải cho việc dỡ bỏ rào chắn trên, đại diện Sở Giao thông vận tải lại cho rằng, đó là để thử ý thức người dân sau khi Hà Nội áp mức phạt cao. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

- Việc thử nghiệm trên hiện trường cần thực hiện ở diện hẹp và phải hết sức thận trọng chứ không thể nào “thử nghiệm hàng loạt” như vừa rồi. Tôi cho rằng, ý kiến trên chỉ phản ánh quan điểm chủ quan, nhất thời của một cá nhân chứ không phải quan điểm chính thống, xuyên suốt của ngành giao thông vận tải thủ đô.

Việc tăng mức phạt cũng là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc cải thiện ý thức tham gia giao thông. Về lâu dài, giải pháp này sẽ góp phần cải thiện tình hình trật tự an toàn và chất lượng giao thông thủ đô.

- Nhưng sau khi dỡ bỏ ngã tư được nửa tháng, ngành công an lại đề xuất bịt lại. Ông bình luận gì trước ý kiến cho rằng, việc bất đồng quan điểm của 2 đơn vị này cho thấy cách việc ngẫu hứng, không có nghiên cứu?

- Tôi không cho rằng có sự "lệch pha" về quan điểm giữa ngành giao thông vận tải và công an. Tuy nhiên, đề xuất tái lập rào chắn cho thấy, việc tổ chức giao thông tại các nút ngã tư cần phải được nghiên cứu một cách nghiêm túc với những công cụ mô phỏng giao thông hiện đại, để có thể xây dựng nhiều phương án tổ chức khác nhau. Từ đó cơ quan chức năng so sánh, đánh giá và lựa chọn phương án phù hợp nhất trước khi triển khai áp dụng ra hiện trường.

- Việc bịt - dỡ song lại đề nghị "bịt" khiến nhiều người "ví von" hình ảnh người tham gia giao thông với những con “chuột bạch”, “liều thuốc thử” để ngành giao thông làm thí nghiệm?

- Chúng ta không nên quá lời phê bình ngành giao thông thủ đô. Tôi cho rằng, các cán bộ trong ngành thừa hiểu, việc tổ chức giao thông của Hà Nội là khó và cần nghiên cứu kỹ. Tuy nhiên, hiện tại không có quy định, định mức chi phí nào cho công tác nghiên cứu, thiết kế tổ chức, điều khiển giao thông. Do không có tiêu chuẩn, quy định và định mức chi phí cho nên ngành giao thông vận tải phải tự làm và thử nghiệm. Nếu đặt tôi vào địa vị những cán bộ của ngành giao thông vận tải Hà Nội có lẽ tôi cũng sẽ thử bịt ngã tư.

Tôi cho rằng, ngành giao thông vận tải và cảnh sát giao thông Hà Nội đang bị đưa lên vũ đài đấu với một đối thủ quá mạnh, đó là dòng giao thông Hà Nội, với đặc trưng là “nhu cầu quá lớn so với năng lực cung ứng, cơ cấu phương tiện hỗn tạp, ý thức tham gia giao thông kém”.

Nút ngã tư Đê La Thành - Giảng Võ vừa được dở bỏ dải phân  cách cứng nhưng đang bị đề nghị bịt lại.Ảnh: Xuân Tùng
Nút ngã tư Đê La Thành - Giảng Võ vừa được dở bỏ dải phân cách cứng nhưng đang bị đề nghị bịt lại. Ảnh: Xuân Tùng.

- Thay vì "bịt" cứng các ngã ba, tư lại như hiện nay, có ý kiến cho rằng, Hà Nội nên dùng các barie rào chắn mềm và bịt theo giờ. Ý kiến của ông về việc này thế nào?

- Đó cũng là một ý kiến hay nên tiếp thu và nghiên cứu kỹ, nếu thấy hiệu quả thì có thể áp dụng. Tuy nhiên, theo tôi, để giải quyết được vấn đề giao thông của thủ đô, bên cạnh các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng và vận tải hành khách công cộng, cần áp dụng ngay các giải pháp quản lý giao thông, cả ngắn hạn và dài hạn.

Tôi thấy hình như Hà Nội chưa mặn mà lắm với các giải pháp quản lý giao thông mà hầu hết các đô thị thành công về giao thông đã và đang áp dụng. Đặc biệt là các giải pháp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, trước tiên là xe ôtô con.

Nếu chỉ chú trọng gia tăng năng lực cơ sở hạ tầng và vận tải hành khách công cộng thì cũng giống như cố gắng phát triển giao thông đô thị bằng cách nhảy lò cò, mỏi lắm mà lâu mới đến đích. Cần nhanh chóng bổ sung cách quản lý giao thông để chúng ta có thể đi hay chạy một cách bình thường trên con đường phát triển giao thông đô thị.

Xuân Tùng thực hiện

VnExpress

No comments:

Post a Comment