Việc thành phố đầu tư xây dựng chợ tại các địa phương nêu trên nhằm giải quyết những khó khăn trong lưu thông, trao đổi hàng hóa cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội ở địa phương phát triển. Các khu chợ mới có tổng diện tích khoảng 31 nghìn m2, các công trình hạ tầng như đường giao thông nội bộ, cây xanh, bãi đỗ xe, nhà dành cho ban quản lý, khu vệ sinh, nguồn nước sạch, thiết bị chiếu sáng... được xây dựng đồng bộ. Thành phố hỗ trợ từ ngân sách 89 tỷ đồng, huyện Sóc Sơn huy động gần 16 tỷ đồng để chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng. Công trình thi công trong bốn năm từ năm 2013 đến năm 2016.
Đầu tư xây dựng chợ ở nông thôn, nhất là ở các xã mà đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn sẽ thúc đẩy lưu thông hàng hóa, nhất là các nông sản, sản phẩm thủ công truyền thống của các địa phương, từ đó giúp người dân có việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô.
Theo thống kê, khu vực nông thôn Hà Nội hiện có hơn 300 chợ các loại, nhưng phần lớn là chợ tạm, chợ tự phát, quy mô nhỏ, hạ tầng yếu kém dẫn đến giao thương chậm phát triển, hoạt động trao đổi hàng hóa nghèo nàn, buôn bán manh mún, nhỏ lẻ, đời sống của người dân khó được nâng cao. Bên cạnh đó, còn nhiều xã vẫn chưa có chợ để trao đổi hàng hóa. Điển hình như xã Kim An (huyện Thanh Oai), nhờ lợi thế vùng đất bãi ven sông màu mỡ, người dân nơi đây tập trung sản xuất rau an toàn theo hướng hàng hóa (diện tích hơn 100 ha); mỗi năm cho hàng trăm tấn rau, củ, quả các loại. Tuy nhiên, do xã chưa có chợ, cho nên hầu hết nông sản làm ra đều bán cho tư thương ngay tại ruộng nên giá cả thấp, người nông dân hưởng lợi ít. Người dân ở đây khi muốn mua sắm đồ dùng thiết yếu, vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và đời sống đều phải đi mua ở các nơi khác mất nhiều thời gian, công sức...
Thiếu chợ hay chợ xuống cấp, cơ sở hạ tầng không bảo đảm đều dẫn đến tình trạng người dân có tâm lý thích mua, bán hàng bên lề đường, vỉa hè... Chợ cóc vì thế phát triển ồ ạt, ảnh hưởng trật tự, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Hàng hóa khó được kiểm tra, kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng. Bên cạnh đó, có không ít chợ sau khi được đầu tư xây dựng lại bị bỏ hoang do không thu hút được người dân và các tiểu thương. Chợ Minh Khai (xã Minh Khai, huyện Từ Liêm), chợ ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) là những thí dụ. Với thực tế trên, vấn đề đặt ra là xây dựng chợ ở nông thôn rất cần thiết, song các nhà quản lý và chính quyền địa phương nên phối hợp, tính toán sao cho việc xây dựng chợ đáp ứng đúng nhu cầu trao đổi hàng hóa và giao lưu văn hóa của người dân trong vùng; địa điểm đặt chợ thuận tiện giao thông; mô hình hoạt động và thiết kế chợ phù hợp với tập quán mua bán cũng như các mặt hàng truyền thống ở địa phương... nhằm tránh tình trạng chợ không thể hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả, gây lãng phí. Sau khi có chợ, chính quyền địa phương cần có sự quản lý chặt chẽ để chợ hoạt động đúng mục đích, ngăn chặn triệt để tình trạng phát sinh, tái diễn chợ cóc, chợ tạm.
tai game dien thoai conggameviet.com
my pham han quoc shoptainha
Nguồn: www.nhandan.org.vn
No comments:
Post a Comment