Có 3 hướng xử lý chính đối với miếng inox gắn thêm trên ống xả xe máy, nguyên nhân của nhiều tai nạn cắt đứt chân người đi bên cạnh. Phần lớn đề nghị cấm sản xuất và xử phạt nếu xe lắp thiết bị này.
Trả lời VnExpress về những tấm inox lắp trên chiếc xe gây tai nạn, Honda khẳng định hãng này chưa từng sản xuất hoặc cung cấp phụ kiện này cho Air Blade. Tấm chắn chính hãng đi theo xe làm bằng nhựa. Yamaha, Suzuki cũng chỉ sử dụng các loại inox dày, đã được làm tròn cạnh hoặc có nhựa bọc ngoài.
Những tai nạn liên tiếp đã gây phản ứng không đồng tình của đa số độc giả. Kết quả từ việc thăm dò ý kiến độc giả trên VnExpress cho thấy tỷ lệ ủng hộ giải pháp phạt người lắp thêm và cơ sở sản xuất loại inox sắc cạnh lên tới 63%. Số phiếu còn lại dành cho việc tăng cường tuyên truyền sự nguy hại của tấm cản pô inox.
Độc giả Vũ Trọng Đài, thợ cơ khí, khẳng định chất liệu inox không phải là nguyên nhân. Nếu tấm chắn làm đúng bằng inox dày 1 mm và xử lý cùn via sau khi cắt thì không sao (loại đi kèm với xe xuất xưởng). Còn nếu làm bằng inox mỏng 0.1-0.2 thì phải cuộn mép lại. Đa phần phụ kiện không chính hãng làm ở những cơ sở sản xuất, làng nghề nên những công đoạn này bỏ qua để giảm chi phí. Nếu có lắp phụ kiện bạn nên kiểm tra bằng tay. Inox mỏng mà không cuộn mép thì không nên mua để tránh gây họa cho bản thân và cho người khác.
Phan Như Tùng cho rằng thiết kế tiêu chuẩn từ hãng đã đảm bảo an toàn, không cần phải lắp loại inox sắc cạnh đó. "Các tấm chắn nhựa rất an toàn bởi chúng không gây bỏng chân và không làm chảy máu người tham gia giao thông. Nhược điểm của chúng là dễ vỡ. Được cái nọ mất cái kia", anh viết.
Bé gái với 4 ngón chân bị cứa gần như đứt rời vì va vào tấm cản pô bằng inox của xe máy đi bên cạnh. Ảnh: N.P |
Độc giả tên Đức nhắn nhủ: "Theo tôi thấy thì những ai lắp thêm tấm inox thật ích kỉ, làm đẹp cho xe của mình. Chỉ vì lắp thêm một tấm inox mà một đứa trẻ mất đi vài ngón chân có xứng đáng không? Trong khi hậu quả là gia đình nạn nhân gánh chịu bởi lúc tai nạn không cảm thấy đau, tầm 3 giây sau thấy đau thì xe đó đã đi rồi. Bản thân tôi cũng từng bị nhưng do đi giày nên chỉ mất nửa phía ngoài ngón chân út, còn bạn của tôi thì bị đứt gân phải điều trị hơn một tháng".
Với những ai vẫn muốn sử dụng, bạn Thành đưa ra giải pháp tấm chắn inox là do các cơ sở gia công thủ công, bỏ qua giai đoạn mài dũa cạnh. Người tiêu dùng muốn gắn thêm cho đẹp thì nên chú ý có thể lấy cây dũa sắt tự dũa tại nhà, sao cho tay sờ vào không thấy bén là được, để đảm bào an toàn cho người thân cũng như người xung quanh".
Hoặc có thể làm theo cách của độc giả Thanh Tân: "Mấy bác thiết kế cứ hàn thêm sợi thép hoặc inox tròn chạy quanh phần rìa tấm chắn là sẽ giải quyết được vấn đề trên. Nhìn lại vừa thẩm mỹ lại tránh được tai nạn không đáng có!".
"Theo tôi, cho phép CSGT được thổi phạt xe gắn thêm tấm inox này tại các ngã tư: phạt 500.000 đồng và bắt buộc tháo và tịch thu tại chỗ. Vì trong hồ sơ kỹ thuật của hãng sản xuất không khuyến khích gắn thêm tấm inox này vào", theo độc giả lấy nickname thể hiện sự bận tâm Lo cho các cháu nhỏ.
Có cùng suy nghĩ là độc giả tên Nguyễn Văn Liêm: "Có gì đâu, ra một cái nghị định, thông tư gì đấy, lệnh cho CSGT cứ thấy xe nào có gắn tấm này thì 'thổi' và phạt vì tội 'thay đổi kết cấu' và bắt tháo bỏ tại chỗ, chịu cả chi phí tháo bỏ lẫn chịu phạt. Vị chi chắc chủ xe cũng tốn khoảng 500.000 đồng cho một lần bị 'thổi'. Bảo đảm 10 ngày sau khi lệnh trên có hiệu lực không còn tấm cản inox của bất cứ xe gì chứ đừng nói là Air Blade. Chỉ cần một tờ giấy A4 và tí mực đo đỏ là cứu được bao nhiêu nạn nhân khỏi tàn tật mà không chịu làm".
Là người thường xuyên tiếp xúc với những nạn nhân của tấm cản pô inox, một bác sĩ ngoại khoa tên Cường chia sẻ: "Tôi là bác sĩ cấp cứu nên biết rất rõ về vấn đề này. Thời gian trước hầu như buổi trực nào chúng tôi cũng nhận được ca bị đứt chân do tấm chắn pô xe máy bằng inox, đặc biệt gặp nhiều là xe Air Blade. Nhiều trường hợp chỉ cần xe lướt nhẹ qua, thậm chí người bị va chạm còn chưa kịp cảm giác gì đã thấy máu chảy đầy chân.
Chúng tôi xin đề nghị cấm ngay và tuyệt đối, thậm chí phạt nặng những trường hợp có lắp thêm tấm cản inox vì như thế là gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác trên đường".
Nickname Gagalovegood lại đề xuất giải pháp cho Honda Việt Nam khi lắp ráp Air Blade: "Nếu Honda cũng dùng miếng inox dày, uống cong không sắc cạnh như Yamaha, Suzuki thì khách hàng đâu cần phải gắn thêm ốp inox làm gì. Chỉ vì ốp ống xả của Honda, đặc biệt là Airblade, chỉ là một miếng nhựa mỏng manh rất dễ vỡ khi va chạm nhẹ, nên người sử dụng gắn thêm miếng ốp pô là chính đáng. Chỉ có điều miếng ốp pô này sản xuất thủ công nên không an toàn. Nếu như Honda cũng sản xuất sẵn ốp pô inox an toàn như Yamaha, Suzuki thì người đi xe Air Blade không gắn thêm vào mà làm gì".
Tạp chí xe MáyQuảng cáo được tài trợ
Trung tâm sơn, sửa xe Sài Gòn
Đ/c: 318 Hoàng Văn Thụ, P.4, Q.Tân Bình, Tp. Hồ Chí Minh
Điện thoại: 0983 801 891 - 0903 801 891
Email: AnPhucHCM@gmail.com - SonXeSaiGon@gmail.com
Website: www.SuaXeSaiGon.com - www.SonXeSaiGon.vn
Facebook: www.Facebook.com/SuaXeSaiGon
Chúng tôi chuyên thực hiện: sơn, sửa, tân trang, thay mới phụ tùng các loại xe số, tay ga Honda, Yamaha, Suzuki, SYM,...
Liên hệ Quảng cáo - 0938 91 97 39
No comments:
Post a Comment