Sau trào lưu độ kiếng xe, hoa văn thân xe... giờ đây, độ pô xe đang trở nên thịnh hành với nhiều chiêu thức mà chỉ “dân chơi” mới rỉ tai nhau biết.
Thú chơi âm thanh “khủng”
Làm quen với một nhóm áo trắng trường Hùng Vương (Q.5, TPHCM), những người tự nhận mình có “thú vui” độ pô xe máy, tôi được nghe cả chục âm thanh “độc” - ầm ầm như tiếng xe mô tô 250 phân khối, pành pành như xe Harley Davison, gầm gừ như xe đua thể thức một (F1)... Thích loại nào cứ chọn. Chọn xong, chỉ cần dắt xe ra tiệm quen 30 phút là... “thỏa mãn lỗ tai” ngay. H.V.T, một thành viên trong nhóm, chỉ vào pô của chiếc Nouvo II rồi khoe: “Mới độ một cái F1 hết 500k. Nghe sướng tai luôn. Chạy ra đường, ai nấy đều dạt lề mà chẳng cần bấm còi”. Còn theo tiết lộ của bạn bè trong nhóm học thêm, mỗi khi nghe âm thanh đinh tai của tiếng xe đua là mọi người biết ngay T. sắp xuất hiện!
Nhà ở gần chợ đầu mối linh kiện xe máy (Tân Thành) nên T.V.N (lớp 11 trường Nam Kì Khởi Nghĩa - Q.11) đã chọn ngay cho mình chiếc pô xe phát ra tiếng “ùn... ùn... ùn” giống như xe cảnh sát mở đường. N. khoe: “Đâu có dễ dàng ra tiệm mà mua được chiếc pô này. Ngày nào đi học về tui cũng phải tạt ngang các quầy bán pô chuyên nghiệp để thăm dò, đặt hàng. Cả tháng sau mới “tậu” được nó với giá 300k”. Mang pô độc về nhà, N. tự tay gắn vào và chỉ kịp siết ốc cố định phần thân pô, anh bạn này nổ máy xe liền để nghe “âm thanh mơ ước” cho đã tai.
Đi chợ tiếng động
Theo lời giới thiệu của T., tôi ghé tiệm T. trên đường Tân Thành dò hỏi. Anh chủ chào mời: “Muốn tiếng xe nào cũng được, từ xe hơi cho đến xe tải... Làm tại chỗ cho anh xem luôn. Pô độ 1 thân, 2 thân đều có đủ, bảo đảm bằng inox chứ không phải sắt xi inox. Giá mềm lắm, từ 200.000 - 400.000đ”. Thấy tôi còn do dự, anh “tung” chiêu: “Yên tâm đi, tụi tui làm siêu lắm, nhìn bên ngoài pô thấy không có gì thay đổi, công an khó phát hiện lắm!”...
Chạy ngang một tiệm đang có 2 bóng áo trắng, tôi liền tấp vào. Đúng như suy đoán của tôi, 2 anh chàng này đang độ pô cho xế của mình. Cuộc trao đổi giữa khách với người chủ tiệm cho thấy họ đang bàn bạc độ pô xe theo cách mới nhất. Thấy tôi có vẻ hào hứng, anh thợ “tiếp thị”: “Kiểu chọc, móc pô chỉ dành cho các tay chơi thường. Bây giờ có nhiều tay chơi ngông hơn: tiếng động cơ được phát ra từ hệ thống loa giấu dưới yên xe với công suất tới hàng trăm watt, hơn cả còi hụ cấp cứu...” Rồi anh ta say sưa khoe tiếp “ưu điểm” của loại loa này: có thể điều khiển từ xa, có tính năng tắt mở nhanh, dễ dàng đối phó với công an... và cuối cùng là báo giá: “Xe nào cũng gắn được, kích thước càng nhỏ thì giá tiền càng cao, khoảng 4 - 5 triệu đồng một bộ!”.
Pô nổ lớn, thiệt hại to
Đi xe có pô độ, phóng thật nhanh, cố tình lạng lách để “biểu dương âm thanh”, không ít chủ nhân của chúng đã phải nhận những tai nạn thương tâm. Thậm chí có những nhóm, như nhóm teen ở quận Bình Thạnh còn tổ chức đua xe để khoe pô. D.T, lớp 12 trường V., người đã từng sở hữu một chiếc xe có pô độ cho biết: “Vừa chạy nhanh, vừa vô số hết cỡ, vừa nẹt pô nên rất dễ... bị đo đường”.
Một thợ sửa xe tại chợ Tân Thành cho biết: “Pô độ tuy có âm thanh lạ nhưng sẽ làm hao xăng nhiều do thoát khí nhiều. Điều này cũng làm nhớt máy mau sụt giảm, dễ gây kẹt máy.” |
Chưa hết, loại âm thanh được xem là niềm tự hào của các quái xế cũng dễ dàng gây ra tai họa. Theo ghi nhận của PC 14 - Công An TPHCM, đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan tới pô xe. Chẳng hạn như cách đây chưa lâu, tại hẻm 307 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, một nhóm teen chạy xe khoe pô độ đã suýt bị 2 thanh niên địa phương chém bằng mã tấu. Tương tự, tại trước nhà số 149 đường số 5, quận Gò Vấp, cảnh sát trật tự cũng đã từng bắt được một số thanh niên vác hung khí đón đường để... “dằn mặt” chủ nhân của 3 chiếc xe máy vừa chạy vừa nẹt pô ầm ĩ!
Xin trích lời của chú Nguyễn Ngọc Loan, Đội trưởng Đội CSGT số 1 để đưa ra kết luận, cũng là một lời cảnh báo cho những teen có “thú vui” sưu tầm âm thanh “độc”: “Tất cả xe gắn máy trước khi lưu hành phải được kiểm định về độ ồn, khí thải qua pô của các cơ quan chức năng. Chỉ khi đạt tiêu chuẩn mới được phép lưu hành. Bất kì người nào làm thay đổi kết cấu pô đều vi phạm quy định và sẽ bị xử phạt. Sắp tới, những chiếc xe có pô độ, ngoài chuyện bị xử phạt về an toàn giao thông, quy định mới sẽ xử phạt thêm lỗi thải ra môi trường khí thải vượt mức cho phép”.
No comments:
Post a Comment