Bộ Công Thương vừa xây dựng các chính sách ưu đãi để thúc đẩy công nghiệp ô tô trong nước, đặc biệt là về các mức thuế.
Theo đó, Bộ này đề nghị giảm 30% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% lệ phí trước bạ cho dòng xe có dung tích xi lanh dưới 2.0L, hoặc giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe dưới 2.0L; giảm 70% thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho dòng xe chiến lược.
Bên cạnh đó áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0% hoặc mức sàn với các linh kiện trong nước chưa sản xuất được. Giữ mức thuế nhập khẩu cao với xe nguyên chiếc cho tới 2018 mới hạ về 0%.
Đã 20 năm trôi qua kể từ khi các “ông lớn” của làng ô tô thế giới vào Việt Nam, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp sản xuất ô tô tầm cỡ khu vực.
Thêm vào đó, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, tỷ lệ chuyển giao công nghệ của các công ty nước ngoài đối với sản xuất ô tô trong nước còn rất thấp. Đặc biệt, sự liên kết, hợp tác, phân công sản xuất không thể thực hiện được.
Trong khi đối với các quốc gia phát triển về công nghiệp ô tô như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan… luôn xác định chiến lược phát triển công nghiệp ô tô ngay từ những buổi ban đầu. Họ tập trung vào nghiên cứu thị trường, sau đó đưa ra các chiến lược phát triển dài hạn, chú trọng việc đầu tư, nghiên cứu công nghệ để đưa ra các sản phẩm ô tô phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân cũng như đáp ứng được tính tiện lơị trong quá trình sử dụng.
Việc nghiên cứu công nghệ, tập trung phát triển các doanh nghiệp sản xuất cả về công nghiệp phụ trợ lẫn công nghiệp ô tô đã khiến các quốc gia này đạt được vô số thành tựu với sự ra đời của nhiều hãng xe tên tuổi.
Trong khi đó, mục tiêu đưa ngành công nghiệp ô tô trở thành ngành phát triển mạnh mẽ với các chiến lược được đưa ra trong thời buổi ban đầu ở Việt Nam dường như đã thực hiện không mấy hiệu quả. Các định hướng, giải pháp không rõ ràng, khiến doanh nghiệp không thể tập trung đầu tư, mở rộng sản xuất, nhất là đầu tư công nghệ, thiết bị máy móc chuyên sâu, tiên tiến.
Cụ thể, kết quả thanh tra về tỉ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp sản xuất ôtô cho thấy, tính đến thời điểm năm 2009, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có tỉ lệ nội địa hóa không bằng 10% so với con số cam kết. Chẳng hạn như Suzuki chỉ đạt nội địa hóa 3%, Ford Việt Nam đạt nội địa hóa 2%…
Còn tính chung tỉ lệ nội địa hóa của tất cả doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vào thời điểm năm 2010 đều không đạt mục tiêu đề ra. Cụ thể, dòng xe con dưới 9 chỗ, tỉ lệ nội địa hóa dưới 15% trong khi quy hoạch đề ra 50%; tỉ lệ nội địa hóa ở xe khách trên 10 chỗ, xe tải, xe chuyên dùng đạt 30-40%, trong khi theo quy hoạch là 60%.
Như vậy, công nghiệp ô tô tại Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài, và chúng ta đã không thể sản xuất ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Đó cũng là một trong những lý do khiến thị trường ô tô trong nước chậm phát triển, người dân không mấy mặn mà.
Theo Baodatviet
No comments:
Post a Comment