Xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) có địa hình bán sơn địa, nhiều gò cao xen lẫn ruộng trũng. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã hơn 595 ha, trong đó đất nông nghiệp hơn 440 ha. Năm 2003, UBND xã tiến hành giao ruộng đất ổn định lâu dài cho gần 1.600 hộ dân tại ba thôn Tinh Mỹ, Trung Cao và Chi Nê. Tuy nhiên, do diện tích đất nằm ở nhiều xứ đồng khác nhau cho nên các thửa ruộng rất manh mún. Trung bình mỗi người dân thôn Tinh Mỹ được giao 481 m2, người dân thôn Trung Cao được giao 400 m2 đất, người dân thôn Chi Nê được giao 276 m2, trong đó có đủ cả đất trũng, đất mạ và đất gò. Mỗi hộ dân có từ ba đến năm thửa đất, nằm phân tán ở nhiều nơi, gây khó khăn cho sản xuất của người dân. Hộ muốn có đất đồi gò để phát triển chăn nuôi, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao thì không có đủ đất. Ngược lại, người muốn đầu tư sản xuất lúa hàng hóa đặc sản thì lại thiếu đất vùng trũng, thừa đất đồi gò. Vì thế, người dân không mặn mà đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh từ đất. Nhiều hộ dân đã tự ý chuyển đổi đất không theo quy hoạch, thậm chí chuyển nhượng đất trái phép...
Thực hiện nghị quyết của Huyện ủy Chương Mỹ về dồn điền đổi thửa, đầu tháng 8-2012, xã Trung Hòa xây dựng Đề án "Dồn điền đổi thửa gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2012 - 2013". Trong quá trình thực hiện, các cán bộ địa chính, công an, tư pháp của xã và cán bộ thôn tiến hành rà soát, lập danh sách chi tiết từng hộ đã được giao đất; điều tra, phân loại từng quỹ đất của thôn... Đối với những hộ đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng, nhưng phù hợp quy hoạch thì đăng ký nhận lại vị trí đó, nếu không phù hợp quy hoạch thì phải san lấp trả lại hiện trạng ruộng đất... Chủ tịch UBND xã Trung Hòa Phạm Ngọc Liệu cho biết, dồn điền đổi thửa là một nhiệm vụ trọng tâm của xã trong năm 2012 và đang được thực hiện thí điểm tại thôn Tinh Mỹ. Theo quy hoạch, sau khi tiến hành dồn điền đổi thửa, trên địa bàn xã sẽ hình thành vùng chuyên canh cây lúa và chăn nuôi trang trại tại thôn Tinh Mỹ, vùng sản xuất lúa và nuôi trồng thủy sản tại thôn Chi Nê, vùng lúa - cá và chăn nuôi tổng hợp tại thôn Trung Cao. Mỗi hộ dân chỉ còn từ một đến hai thửa ruộng; thửa nào cũng tiếp giáp với hệ thống giao thông nội đồng... Đề án này được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu kinh phí đo đạc, rà soát lại ruộng đất, kinh phí xây dựng công trình thủy lợi theo đề án xây dựng nông thôn mới.
Theo lãnh đạo UBND huyện Chương Mỹ, hiện nay 32 xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã cơ bản tiến hành họp dân, đo đạc ngoài thực địa và lập dự toán các công trình xây dựng giao thông, thủy lợi. Các xã, thị trấn đã thực hiện đúng chỉ đạo, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương; chuyển đổi gắn với quy hoạch lại đồng ruộng, từng bước cải tạo, nâng cấp, xây dựng hệ thống tưới, tiêu, giao thông, thủy lợi nội đồng; bảo đảm công khai, dân chủ và công bằng... Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện xuất hiện nhiều khó khăn liên quan đến việc xác định nguồn gốc đất, quyền lợi của những hộ đi xây dựng kinh tế mới quay về địa phương năm 1993; người sinh con thứ ba, diện tích đất đã quy hoạch nhưng chưa thu hồi; diện tích đất ở các địa phương nằm ở nhiều nơi, gồm cả đất trũng, đất đồi gò... Đặc biệt, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ địa chính tại một số xã còn hạn chế đã ảnh hưởng đến tiến độ dồn điền đổi thửa.
Tại huyện Ba Vì, từ hơn mười năm trước các xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa đối với khoảng 8.000 ha đất trồng lúa trên tổng diện tích hơn 17 nghìn ha đất nông nghiệp. Nhưng do đất manh mún, địa hình đồi gò, các xã chưa xây dựng phương án cụ thể, cho nên toàn huyện chỉ dồn điền đổi thửa được hơn 1.200 ha. Đặc biệt, do chưa gắn dồn điền đổi thửa với quy hoạch sản xuất cho nên không tạo ra hiệu quả trong sản xuất và thu nhập của người nông dân. Vì thế hiện nay người dân vẫn còn thắc mắc, hoài nghi về hiệu quả của việc dồn điền đổi thửa. Trong khi đó, cán bộ các xã vẫn còn lúng túng, chưa giải đáp được đầy đủ thắc mắc của người dân khiến cho quá trình triển khai chậm trễ.
Tháng 5-2012, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2013, với diện tích 57 nghìn ha, trong đó năm 2012 phấn đấu thực hiện hơn 19 nghìn ha, năm 2013 thực hiện gần 38 nghìn ha. Cho đến nay, các huyện Sóc Sơn, Chương Mỹ đã xây dựng xong phương án thực hiện, một số xã ở các huyện này đã thực hiện dồn điền đổi thửa thành công. Ngược lại, một số đơn vị như thị xã Sơn Tây, huyện Thanh Oai, Mỹ Đức, Gia Lâm... triển khai chậm.
Dồn điền đổi thửa là công việc khó khăn, phức tạp bởi nó đụng chạm tới quyền lợi của phần lớn các hộ dân nông nghiệp; khối lượng công việc lớn cho nên không ít cán bộ tại các địa phương chưa thật sự vào cuộc. Công tác đo đạc, phân loại, lập bản đồ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho người dân chưa được thực hiện đầy đủ, thiếu chặt chẽ trong thời gian dài; năng lực trình độ của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ địa chính còn hạn chế... là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ công tác dồn điền đổi thửa.
Để đẩy nhanh tiến độ dồn điền đổi thửa, UBND thành phố cần chỉ đạo các ngành chức năng bố trí nguồn vốn cho cơ sở; tăng cường hướng dẫn cơ sở trình tự, thủ tục thanh, quyết toán kinh phí sau dồn điền đổi thửa. UBND các huyện, thị xã cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động; xác định công tác dồn điền đổi thửa là một nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng nông thôn mới; kiểm tra, đôn đốc và kịp thời tháo gỡ các khó khăn cho cơ sở, nhất là việc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...
Nguồn: www.nhandan.org.vn
No comments:
Post a Comment