domain, domain name, premium domain name for sales

Saturday, June 4, 2011

Tư vấn sử dụng điều hòa ô tô trong mùa hè.

Điều hòa là thứ không thể thiếu khi bạn lái xe trong cái nóng của mùa hè nhưng sử dụng như thế nào cho hiệu quả mà không hại máy và tốn xăng? 




Khí hậu Việt Nam là khí hậu nhiệt đới gió mùa nên vào mùa hè, nhiệt độ ngoài trời ở nhiều nơi có thể lên tới 45 độ C. Do đó, khi di chuyển xe trên đường, bạn gần như không thể không có điều hòa. Vì thế, để duy trì độ bền cho giàn lạnh, người sử dụng cần biết cách sử dụng hợp lý đồng thời tuân thủ lịch bảo dưỡng theo qui định của nhà sản xuất.


Mùa hè, dùng điều hòa trên xe thế nào cho hiệu quả?
Trời nắng dùng điều hòa trên xe thế nào cho đúng? 

Một số lưu ý do các chuyên gia của Toyota Việt Nam đưa ra sau đây có thể giúp bạn “lúc nào cũng mát” mà xe vẫn bền đồng thời không quá tốn xăng.


Không nên vào xe là bật điều hòa

Trên thực tế, nhiều người có thói quen cứ vào xe là bật điều hòa (Nút A/C) luôn, để mau làm lạnh cho xe mà không biết rằng điều này dễ làm hư hại tới bình điện. Khi xe đang khởi động thì tốc độ động cơ thấp và chưa ổn định do đó nếu bật điều hòa luôn thì máy sẽ phải chịu tải lớn và gây tác động xấu tới tuổi thọ của bình điện.

Vì vậy, cách tốt nhất khi khởi động động cơ là bạn không nên bật điều hòa cũng như các thiết bị điện khác. Thay vào đó, trong lúc chờ đợi bạn có thể hạ kính xuống và bật quạt gió ở số 1 để hơi nóng trong xe thoát ra. Khi vòng tua của động cơ đã ổn định lúc này bạn có thể bật điều hòa (Nút A/C) và sau đó điều chỉnh mức quạt gió để tạo độ lạnh sao cho vừa ý.

Đỗ xe ở nơi râm mát

Trong mùa hè nhiệt độ ngoài trời nắng có thể lên tới 40-45 độ C vì thế bạn nên đỗ xe nơi râm mát, dưới tán cây,.. để tránh hỏng nội thất bên trong xe (Các chi tiết bằng nhựa hoặc cao su,…dễ bị phồng, xơ, cứng hoặc rạn nứt) đồng thời giúp hệ thống điều hòa không bị quá tải khi xe chạy.

Giúp xe hạ nhiệt khi đỗ ở nơi không có bóng mát

Nếu bạn đỗ xe ở nơi không có bóng mát thì nhiệt độ bên trong xe có thể lên tới 70 độ C khi nhiệt độ bên ngoài là 45 độ C. Trong trường hợp này, bạn nên dành thời gian chờ đợi và làm thêm một số thao tác sau, thì điều hòa mới nhanh có tác dụng và tăng tuổi thọ:

- Hãy mở tất cả các cửa xe ra để nhiệt độ bên trong xe và bên ngoài cân bằng nhau (nếu cần bạn có thể bật thêm quạt gió để cho nhanh cân bằng giữa nhiệt độ bên trong và bên ngoài).

- Khi nhiệt độ bên trong xe và bên ngoài đã cân bằng thì bạn mới lên xe, đóng tất cả các cửa và bắt đầu khởi động xe.

Lấy chế độ gió một cách hợp lý

Tùy theo đều kiện vận hành trong thành phố hay trên đường cao tốc mà bạn chọn chế độ lấy gió trong hoặc ngoài. Bình thường bạn nên để quạt lấy gió ngoài để xe có dưỡng khí, chỉ nên lấy gió trong khi mới bật điều hòa A/C. Mục đích để không khí bên trong xe nhanh được làm lạnh.

Điều hòa tự động trên nhiều dòng xe đời mới có cả chế độ cài đặt tự động, sau 5 phút lấy gió trong sẽ chuyển sang chế độ lấy gió ngoài, ngoài ra bộ phận còn có cảm biến có thể nhận biết được không khí ô nhiễm khi đi ngang qua các khu vực bụi bẩn, sẽ tự động chuyển sang chế độ lấy gió trong.

Nên để chế độ lấy gió trong khi đi trời lạnh và mưa to vì lúc này không khí ẩm ở ngoài có thể gây ẩm mốc nội thất và tạo mùi hôi trong xe. Trong trường hợp xe đi qua vùng ngập nước cao, để an toàn tốt nhất là bạn nên tắt điều hòa và cả quạt gió tránh hiện tượng rác bẩn theo nước có thể làm kẹt cánh quạt dẫn đến đứt cầu chì quạt gió,…

Kiểm tra và thay bộ lọc điều hòa đúng lịch 

Lọc điều hòa có tác dụng ngăn không cho bụi lọt vào bên trong xe qua lỗ thông gió điều hòa, lọc điều hòa có thể bị tắc sau một thời gian dài sử dụng. Để duy trì hiệu quả của điều hòa, hãy kiểm tra và thay thế bộ lọc điều hòa theo lịch bảo dưỡng định kỳ, ví dụ như với dòng xe Toyota lọc điều hòa được thay thế sau 30.000 km.

                                                                                                                  (Nguồn Bài và ảnh: VTC)




tu van,kinh nghiem, su dung xe hoi, nhung dieu can biet khi su dung xe hoi, tu van xe hoi, su dung xe o to, tu van o to- xe may

No comments:

Post a Comment