domain, domain name, premium domain name for sales

Sunday, April 18, 2010

“Toyota không trung thực!”


(Dân trí) - Lãnh đạo Cơ quan an toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) hôm 16/4 cho biết Toyota đã không trung thực với các cán bộ liên bang điều tra vấn đề dính chân ga.

(Ảnh: AFP)
Ông David Strickland (ảnh trên), giám đốc NHTSA, cho biết sự thiếu trung thực này của Toyota là lý do lớn nhất khiến công ty bị áp mức phạt cao nhất đối với vấn đề an toàn trong ngành ô tô Mỹ - 16,4 triệu USD.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên của ông kể từ khi đảm nhiệm vị trí lãnh đạo cao nhất tại NHTSA vào ngày 4/1, Strickland cũng đã chỉ trích Toyota về việc không chịu công bố việc cập nhật phần mềm trên xe Prius 2010, và về việc đã đi đường tắt trong quá trình tăng trưởng nhanh chóng.

“Điều đã khiến họ được ưa chuộng và tin tưởng đến vậy tại Mỹ cũng chính là điều phá hủy họ,” ông Strickland nói với phóng viên The Detroit News. “Họ đang phải trả giá cho những quyết định đó - và là giá đắt.”

Ác mộng thu hồi xe vẫn chưa dừng lại với Toyota. Ngày 16/4, công ty đã phải thông báo thu hồi 600.000 xe Sienna phiên bản 1998-2010 duy nguy cơ ăn mòn. Và một ủy bản của Hạ viện Mỹ dự kiến mở một phiên điều trần vào ngày 6/5 về vấn đề tăng tốc ngoài kiểm soát của xe Toyota.

Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng Toyota sẽ phải công bố thu hồi xe Lexus GX 460 vào thứ Hai tới, sau khi tạp chí Consumer Reports phê chú “Không nên mua” đối với mẫu SUV này do nguy cơ lật xe. Toyota có thể sẽ phải cập nhật phần mềm để giải quyết những lo ngại về hệ thống ổn định xe điện tử (ESC).

Ông Strickland đã kể lại cuộc họp hôm 19/1 năm nay giữa NHTSA và một số lãnh đạo cấp cao của Toyota tại Mỹ, trong đó có giám đốc Toyota Bắc Mỹ, ông Yoshimi Inaba, và giám đốc bán hàng Jim Lentz. Cuộc họp này nhằm giải đáp những lo ngại của NHTSA về vấn đề dính chân ga ở xe Toyota.

“Thành thật mà nói, tại cuộc họp đó, họ đã không trung thực” về những gì - hoặc thời điểm mà họ biết lỗi dính chân ga.

“Không đã không trung thực,” ông nhắc lại. “Điều duy nhất chúng tôi yêu cầu các nhà sản xuất là công bố thông tin đúng hạn và trung thực. Và nếu bạn không làm như vậy, tôi sẽ có khuyến cáo và tôi sẽ đề xuất phạt.”

Vào ngày 5/4, NHTSA đã áp mức phạt cao nhất có thể, 16,4 triệu USD, do Toyota không kịp thời thu hồi 2,3 triệu xe với nguy cơ dính chân ga. Ngày 19/4 tới là hạn chót để Toyota quyết định chấp thuận mức phạt này hay sẽ kháng cáo.

Tại cuộc họp hôm 19/1, ông Strickland đã đọc tài liệu chỉ ra rằng xe Toyota ở châu Âu bị lỗi chân ga, và trang kế tiếp là những đơn thư khiếu nại xe tại Mỹ.

Hàng triệu người bị đặt vào vòng nguy hiểm
(Ảnh: Getty)

Người phát ngôn của Toyota, ông Brian Lyons, hôm 16/4 cho biết nhà sản xuất ô tô Nhật Bản không có bình luận gì về lời nói của ông Strickland. Tuy nhiên, chủ tịch Akio Toyoda của Toyota cùng ngày đã ghi nhận rằng Toyota “phải làm tốt hơn - tốt hơn nhiều - trước các vấn đề an toàn.”

NHTSA xác định rằng Toyota đã trì hoãn thu hồi xe do lỗi dính chân ga ít nhất 4 tháng, đặt hàng triệu người sử dụng ô tô và người tham gia giao thông tại Mỹ vào vòng nguy hiểm.

Ngày 19/9 năm ngoái, Toyota đã công bố kế hoạch sửa xe bị lỗi cho các đại lý ở 31 nước khác nhằm giải quyết đơn thư khiếu nại xe bị dính chân ga, nhưng lại không làm gì tại Mỹ mãi cho tới 2 ngày sau cuộc họp hồi tháng 1.

Đó là khi Toyota bắt đầu thông báo thu hồi 2,3 triệu xe do nguy cơ dính chân ga. Công ty đã dừng bán các xe trong diện thu hồi tại Mỹ vào ngày 26/1 do chưa tìm ra giải pháp cho vấn đề.

Vụ thu hồi trên chỉ là một phần trong chương trình thu hồi khoảng 8,5 triệu xe của Toyota (bao gồm cả thương hiệu Lexus) trên khắp thế giới do nguy cơ xe tăng tốc ngoài kiểm soát. NHTSA đến nay đã nhận được hơn 3.000 đơn thư khiếu nại, nêu ra 51 trường hợp tử vong, kể từ năm 2000 liên quan đến xe Toyota.

Ông Strickland chỉ trích Toyota về việc tuyên bố trong bản ghi nhớ nội bộ rằng công ty đã tiết kiệm được hơn 100 triệu USD thông qua việc giới hạn một đợt thu hồi xe vào năm 2007 ở con số 55.000 thảm sàn có thể chẹt vào chân ga khiến xe tăng tốc ngoài kiểm soát.

“100 triệu USD đó giờ đây khiến họ tốn hàng tỷ USD,” ông Strickland nói, doanh số sụt giảm, chi phí sửa chữa và nguy cơ bị kiện.

Strickland cho biết ông hy vọng Toyota sẽ có những quyết định đúng đắn để đặt vấn đề an toàn lên trên hết.

“Tôi cho rằng nhiều năm qua, họ đã quên mất điều đó và họ đã đi đường tắt,” ông nói.

Những bình luận của Strickland được đưa ra sau khi báo chí công bố e-mail ngày 16/1 của ông Irv Miller, khi đó là người phát ngôn cấp cao của Toyota tại Mỹ, trong đó ông cảnh báo rằng công ty cần làm rõ vấn đề chân ga bị lỗi, và nói rằng thời gian trốn tránh vấn đề đã qua.

Ông Strickland cho biết NHTSA đang tiến hành điều tra vụ thu hồi 150.000 xe Toyota Prius vào tháng 2 năm nay do vấn đề chân phanh, vì công ty đã cập nhật phần mềm của hệ thống chống bó cứng phanh mà không thông báo với cơ quan quản lý an toàn.

Điều tra vụ thu hồi xe Venza

NHTSA cũng đang điều tra xem Toyota có chậm trễ 6 tuần trong việc thu hồi xe Venza tại Mỹ do vấn đề thảm sàn hay không.

“Nếu Toyota lại một lần nữa chậm trễ thu hồi xe thì chúng tôi sẽ lại có biện pháp,” ông cho biết.

Ông Strickland cho rằng mức phạt tối đa 16,4 triệu USD theo luật định cho mỗi vụ thu hồi sản phẩm là “quá thấp”. Theo ông, nâng giới hạn lên hơn 100 triệu USD sẽ có lợi cho NHTSA.

Ông cho biết hiện không có lịch trình cụ thể về việc khi nào NHTSA sẽ quyết định có áp các mức phạt khác với Toyota hay không. “Ở đây không có gì phải vội vàng. Chúng tôi sẽ dùng đủ thời gian cần thiết,” ông nói.

Ông Strickland cho rằng các nhà sản xuất ô tô cần có trách nhiệm đạo đức đối với khách hàng.

“Nếu xe không vận hành đúng và có ai đó phải thiệt mạng trong khi bạn có thể làm gì đó để ngăn chặn, thì tôi không hiểu làm thế nào mà ai đó lại có thể đưa ra quyết định như vậy,” ông nói.

Nhật Minh

Theo Detroit News-DanTri

No comments:

Post a Comment