domain, domain name, premium domain name for sales

Sunday, January 24, 2010

Thú chơi xe đạp cổ của người Hà thành

Gần 40 xe đạp cổ, có chiếc giá vài nghìn USD, nối đuôi nhau bên Hồ Tây (Hà Nội), thỉnh thoảng tiếng chuông reng reng vang lên xen giữa những tiếng còi inh ỏi của xe máy, ôtô.

Ngày đầu năm các thành viên hội xe đạp cổ hẹn gặp nhau tại đường Thanh Niên. 8h sáng mọi người có mặt đông đủ, tất cả đều hướng sự chú ý vào cụ già mặc quần áo bộ đội, tóc bạc trắng. Tuấn "Bánh bao", người nổi danh khắp Hà Nội vì thú sưu tầm xe đạp cổ, giới thiệu đó là cụ Ngọc 75 tuổi, hội trưởng Hội xe đạp cổ Hà Nội xưa và nay. Cụ Ngọc trình bày với mọi người lịch trình chuyến đi, các điểm dừng, nghỉ để chụp ảnh lưu niệm.

8h10 hội bắt đầu khởi hành. Gần 40 xe đạp cổ, mỗi chiếc một kiểu nối đuôi nhau trên đường Thanh Niên, thỉnh thoảng lại có tiếng chuông reng reng hoặc tiếng toe toe xen giữa những tiếng còi inh ỏi của xe máy, ôtô. Đoàn xe vòng qua các tuyến phố Mai Xuân Thường, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương và dừng nghỉ chặng một ở khu vực công viên Lê Nin.


Vừa dựng chân chống chiếc Aviac màu bạc dòng Nicholas Barra được sản xuất từ những năm 1930, ông Trần Như Tô hồ hởi kể trước đây công tác tại Bộ Ngoại giao, làm sứ quán bên Pháp 10 năm. Niềm đam mê với xe đạp cổ nhen nhóm từ cuối năm 2005, ý định cũng chỉ tìm kiếm một chiếc xe đạp để thuận tiện đi lại và tiết kiệm chi phí. "Chiếc Aviac màu bạc dòng Nicholas Barra được mua trong một chuyến công tác tại Lyon từ một người bạn thân với giá 200 Euro. Mới nhìn nó lần đầu mình đã kết ngay", ông Tô kể.

Bác Trần Như Tô trên chiếc Aviac
Ông Trần Như Tô (người đội mũ phớt, đeo kính đen) trên chiếc Aviac "độc" của mình. Ảnh: Quý Thông.

Gắn bó với xe gần 2 năm, khi kết thúc nhiệm kỳ về nước, ông Tô rinh luôn xe về nhà. "Hồi đầu chưa đam mê với nó, nhưng từ lúc tò mò khám phá nguồn gốc con Aviac này mới đâm ra mê. Mỗi ngày niềm đam mê tăng lên, đến khi về nước mình đã trở thành tín đồ cuồng nhiệt mê xe đạp cổ", ông Tô tâm sự. Mê xe đến mức trong hai năm cuối trước khi nghỉ hưu, ông Tô chỉ sử dụng xe đạp đi làm, ngày ngày đạp xe từ Phương Mai đến Bộ Ngoại giao.

Gần 2 năm từ khi về Việt Nam, ông Tô sưu tầm gần chục xe đạp nữa. Trong đó có hai chiếc Peugeot đời 1954 dòng Smilar related, chiếc xe đang đi và chiếc Aviac đời 1950 dòng Gnome et Rhuone thuộc hàng độc ở Việt Nam. Chiếc Aviac màu bạc dòng Nicholas Barra được sản xuất từ những năm 1930 của ông Tô hiện là chiếc xe cổ nhất hội, đồng thời cũng là chiếc xe đắt nhất. Ông Tô cho biết nếu bán theo giá thị trường có thể lên tới gần 2.500 USD.

Cụ Nguyễn Danh Điền người lớn tuổi nhất trong hội.
Cụ Nguyễn Danh Điền người lớn tuổi nhất trong hội. Ảnh: Quý Thông.

Trong hội chơi xe đạp cổ Hà Nội xưa và nay, người cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Danh Điền ở Lê Đại Hành. 86 tuổi, nhưng niềm đam mê xe đạp cổ trong cụ vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết như hồi trai trẻ. Người ngoài có thể dễ dàng nhận ra cái nhiệt huyết đó thông qua trang phục cụ đang mặc, tất cả đều dành cho dân đua xe chuyên nghiệp, như mũ bảo hiểm, kính mắt, áo gió, quần bó...

Thỉnh thoảng bị đau chân đau khớp, nhưng cứ khi nào mọi người trong hội gọi điện đi tụ tập đạp xe quanh phố phường là cụ Điền đi ngay. "Chân đau phải đạp xe thật mau nó mới nhanh khỏi được, càng nằm ở nhà nó càng đau thêm", cụ lý giải. Trước đây cụ Điền là tay đua xe kỳ cựu thời Pháp thuộc. Những năm 1940 cụ từng được thực dân Pháp mời sang Paris đua xe, đại diện cho nước An Nam thuộc địa. Chiếc xe được cụ sử dụng là Aviac đời 1960 dòng A Duravia, trông xa giống xe địa hình hơn là xe đạp cổ.

Những người cùng nhau sáng lập ra hội xe đạp cổ Hà Nội ngoài Tuấn "Bánh bao" còn có anh Hùng "Cá". Anh Hùng hiện sở hữu nhiều xe đạp cổ nhất Hà Nội với gần 40 chiếc, từ Mercie nam nữ, đến Peugeot đời vú mỡ, phanh gầm, khoá cổ là loại độc đáo mà những xe cùng hiệu nhưng sản xuất gần đây không có được. Tất cả hãng xe cổ của Pháp như Marila, Follis, Joang Fonix, Sterling, Mercier, Peugeot, Aviac... anh đều có, nhiều thì 5-6 xe, ít cũng phải đôi chiếc.

Anh Hùng cá người có nhiều xe đạp cổ nhất Hà Nội với gần 40 chiếc.
Anh Hùng có nhiều xe đạp cổ nhất Hà Nội với gần 40 chiếc. Ảnh: Quý Thông.

Chỉ trong chốc lát đoàn xe đã hoàn thành lịch trình qua di tích Hỏa Lò, Nhà hát lớn, vườn hoa Lý Thái Tổ và cuối cùng là đền Ngọc Sơn. Anh Tuấn như thường lệ rút chiếc kèn bằng đồng ra thổi toe toe, tập trung mọi người lại để chụp ảnh lưu niệm cũng như là quay video kỷ niệm. "Trong đội hình thì những người tầm tuổi 40 như mình là trẻ. Tôi cũng chỉ là người đi sau, hội xe đạp cổ này muốn hoạt động tốt thì cần có những con chim đầu đàn như cụ Điền, cụ Ngọc dẫn đường", anh Tuấn nói.

Khi hỏi về kế hoạch trong tương lai của hội, anh Tuấn cho biết, đến dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, mọi người sẽ ăn mặc quần áo cổ trang, đạp xe quanh cầu Long Biên, đi khắp 36 phố phường, chụp ảnh tại tất cả địa điểm danh lam thắng cảnh của Hà Nội. Riêng về bản thân, anh nói: "Hôm đó tôi sẽ mặc bộ quần áo Police thời Pháp thuộc, đi dép dọ, đầu đội mũ cối trắng, đi chiếc Follis ghi đông nghịch, trông đúng kiểu cảnh sát ngày xưa".

Hội xe đạp cổ Hà Nội xưa và nay được thành lập từ đầu năm 2007. Sau hơn 2 năm miệt mài tìm người có chung sở thích, hiện nay hội đã có 43 thành viên với đủ mọi lứa tuổi.

Ảnh đoàn xe đạp cổ thong dong trên đường Hà Nội

Anh Hùng cá với bộ vét trắng nổi bật
Anh Hùng với bộ vest trắng nổi bật
Lúc nào không khí cũng rất vui vẻ.
Lúc nào không khí cũng rất vui vẻ.
Yên xe được khắc ngày tháng xuất xưởng, nơi sản xuất
Yên xe Aviac của ông Trần Như Tô được thiết kế đặc biệt.

Chiếc yên phía sau chiếc aviac của bác Tô với hình bốn chàng lực sĩ độc nhất chưa ai có.
Yên sau với hình bốn chàng lực sĩ độc nhất chưa ai có.
Ghi rõ tên hãng xe, dòng xe
Ghi rõ tên hãng xe, dòng xe
Tuấn bánh bao, thành viên không thể thiếu của hội xe đạp cổ Hà Nội xưa và nay.
Tuấn "Bánh bao", thành viên không thể thiếu của hội xe đạp cổ Hà Nội xưa và nay.
Cụ Nguyễn Danh Điền người lớn tuổi nhất trong hội.
Cụ Nguyễn Danh Điền người lớn tuổi nhất trong hội.
Cô Xuân, phụ nữ duy nhất trong hội xe đạp cổ Hà Nội xưa và nay.
Cô Xuân, phụ nữ duy nhất trong hội xe đạp cổ Hà Nội xưa và nay.
Mỗi buổi sinh hoạt của hội đều được quay phim ghi lại để lưu giữ làm kỷ niệm.
Mỗi buổi sinh hoạt của hội đều được quay phim ghi lại để lưu giữ làm kỷ niệm.
Đôi khi yêu xe đạp cổ cũng không cần phải mặc quần áo cổ, có thể ăn mặc như bạn thanh niên trên cũng có thể tham gia.
Một thành viên trẻ tuổi của hội.

Ảnh: Quý Thông

Quý Thông-VnExpress

No comments:

Post a Comment