Học lái xe ôtô bây giờ không chỉ là mốt mà còn là nhu cầu thiết yếu của nhiều người. Với tâm lý… chỉ sợ trượt nên các trung tâm “phán” mức học phí bao nhiêu, học viên sẽ nộp bấy nhiêu. Tuy nhiên, với mức học phí cao chót vót so với quy định chung, không phải ai cũng “học là đỗ” như quảng cáo…
Mỗi nơi 1 giá
Trong vai một người có nhu cầu đi học lái xe ô tô và thi kiểu gì cũng phải được bằng, tôi đã liên hệ với một số trung tâm đào tạo lái xe ô tô. Điều đáng nói là tôi bị rơi vào trạng thái hoang mang không biết nên đăng ký học ở đâu, vì trung tâm nào cũng quảng cáo chỗ của mình là rẻ nhất và chỉ cần tập lái, đừng quan tâm đến lý thuyết, kiểu gì cũng phải đỗ.
Theo quảng cáo của thầy Kiên, trung tâm dạy nghề Thái Việt ở 32 Nguyễn Công Trứ, Hà Nội, để học một khoá lái xe bằng B2 (cho xe từ 4-9 chỗ) tại trung tâm, học viên sẽ phải đóng mức học phí 7 triệu đồng/khoá học trong 3 tháng. Với số tiền này, người học sẽ được thực hành trong 10 tiếng và chắc chắn sẽ thi được để lấy bằng lái xe. Có điều, để lái được xe trong phố, người học cần phải đầu tư học thêm 30 tiếng học lái trực tiếp trên đường và vào trong phố. Về phần lý thuyết, nếu người học có nhu cầu học thì trực tiếp đến trung tâm. Nếu không, trung tâm sẽ cho giáo viên hướng dẫn trực tiếp 1, 2 buổi là có thể làm bài thi tốt...
Quảng cáo "thi là đỗ" của một trung tâm dạy lái xe
Thầy Kiên cho biết, người học sẽ được cấp miễn phí sách giáo khoa, đĩa chương trình sát hạch lý thuyết trên máy vi tính, giáo viên của trung tâm sẽ “hướng dẫn” cách làm bài lý thuyết để chắc chắn đỗ.
Riêng phần thi thực hành, trung tâm sẽ cử giáo viên kèm và thậm chí ngồi bên cạnh để giúp học viên có thể hoàn thành tốt bài thi của mình. Thầy Kiên còn nhấn mạnh, ở trung tâm của chúng tôi thì được thế, chứ lên trường thi thì sẽ rất khó.
Lệ phí cho mỗi tiếng thực hành thêm là 170.000 đồng. Nếu đón học viên tại nhà, người học phải trả thêm 50 nghìn. Đây là tiền công và tiền xăng cho lái xe khi đến đón. Như vậy, tính sơ sơ, số tiền một học viên phải đóng cho trung tâm đến khi ra bằng và lái được phải trên 10 triệu đồng.
Cũng dạy lái xe bằng B2, nhưng mức học phí tại Trung tâm dạy nghề Sao Bắc Việt ở số 6 Khu B Đại học Kiến trúc Hà Nội lại “mềm” hơn, chỉ 5 triệu đồng/khoá. Nếu người học tham gia học lái xe vào lớp học chuẩn thì học phí là 6,5 triệu đồng. Với khoá học này, người học sẽ học lý thuyết tại nhà và tham gia vào 2 kỳ thi: thi chứng chỉ và thi sát hạch. Cả hai lần thi này học viên đều phải thi cả lý thuyết và thực hành.
Mức phí 5 triệu đồng/khoá lấy bằng B2 cũng là mức giá được Trung tâm dạy nghề vào đào tạo lái xe công binh- Bộ Tư lệnh công binh tại 419 A đường Giải Phóng, quận Thanh Xuân đưa ra.
Nhưng chất lượng của các trung tâm này có đúng như quảng cáo đưa ra hay không lại khác. Chị Nguyễn Thị Phương – Hiệu trưởng một trường mầm non thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết đã đăng ký học lái xe ô tô tại 1 trung tâm đào tạo lái xe ở đường Xuân La, quận Tây Hồ trong thời gian 5 tháng với tổng số tiền học là 9 triệu đồng gồm tất cả các phụ phí kèm theo nên tôi không phải nộp thêm bất cứ khoản tiền nào.
"Trong quá trình học, tôi vô cùng bức xúc trước thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm của giáo viên đào tạo. Mặc dù trong chương trình học ghi rõ các nội dung là học lý thuyết, học thực hành trong bãi và ngoài đường trường, nhưng tôi không được tham gia bất cứ buổi học lý thuyết nào. Việc học ngoài đường trường cũng rất hạn chế, chỉ chiếm 1 buổi trong toàn bộ chương trình học. Khi ôn luyện trong sa hình, tôi phải tiếp tục bỏ tiền thuê xe với giá 180.000đ/1 giờ mà không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía trung tâm. Do không được học lý thuyết nên trong lần thi đầu tiên tôi đã thi trượt, phải thi lại nên mất khá nhiều thời gian. Tôi thắc mắc thì chỉ nhận được câu trả lời “học viên phải tự học lý thuyết”… - chị Phương kể.
Lỗi tại Bộ Tài chính!
Theo thông tư 26/2007/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 3/4/2007 về Hướng dẫn mức thu học phí quản lý và sử dụng học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ, thì học phí là khoản đóng góp của người học, tạo nguồn kinh phí để trang trải toàn bộ chi cho các cơ sở đào tạo lái xe cơ giới đường bộ.
Ngoài khoản thu học phí quy định tại thông tư này, các cơ sở đào tạo không được thu thêm bất cứ một khoản thu nào khác của người học trái với chế độ quy định.
Cụ thể là đối với hạng B1, tổng số tiền học viên phải nộp là 2.275.000 đồng (gồm các nội dung học luật giao thông đường bộ, học các môn cơ sở, học kỹ thuật lái xe và thực hành lái xe), hạng B2 là 2.710.000 đồng, hạng C là 3.875.000 đồng…
Điểm thi thực hành của các học viên
Cũng theo quy định, căn cứ mức quy định về học phí đào tạo lái xe cơ giới đường bộ tại thông tư này và tuỳ theo đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương; cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo, các Bộ chủ quản và UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể quy định mức thu cụ thể đối với các trường, trung tâm đào tạo thuộc mình quản lý; nhưng không được tăng hoặc giảm quá 20% mức thu học phí quy định tại thông tư này và phải bảo đảm đúng chương trình đào tạo lái xe cơ giới đường bộ do Bộ Giao thông vận tải quy định.
Bên cạnh khoản học phí cứng trên, các trung tâm được phép thu 480.000 đồng để tổ chức cho học viên ôn luyện, còn lại các trung tâm không được thu thêm bất cứ khoản nào khác.
Có điều, Thông tư 26 được ban hành từ tháng 4/2007 (cách đã 3 năm) căn cứ vào giá xăng, dầu tại thời điểm đó. Đến thời điểm hiện tại, mức giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng nhiều lần. Do đó, nếu các trung tâm thực hiện nghiêm túc việc thu phí theo quy định trên thì sẽ phải bù lỗ. Chính vì vậy mới có chuyện tăng học phí một cách vô tội vạ của các trung tâm dạy lái xe như hiện nay.
Mặt khác, tính theo “khung” giờ học của Luật hiện hành, mỗi thí sinh phải thực hành từ 80 - 100 giờ. Trong khi đó, tiền thuê xe và thầy là 150.000 đồng/giờ. Như vậy, tính riêng tiền thực hành một khóa học, chưa kể tiền thuê xe tập trong sa hình, học sinh sẽ phải mất từ 12 -15 triệu đồng. Rõ ràng, người học đang bị “móc” tiền túi để gánh cùng một vai với các trung tâm dạy nghề…
Theo vnmedia.vn
No comments:
Post a Comment