Khi quyết định mua lại một chiếc ôtô đã qua sử dụng, bạn cần biết rằng bên cạnh những lợi thế hấp dẫn như giá rẻ, thuế GTGT và phí bảo hiểm tương đối thấp, thì những nhược điểm như không còn bảo hành hoặc hay có hỏng hóc, sự cố có thể làm “tổn thương” đến túi tiền cũng như cảm giác thoải mái của bạn.
Những bí quyết sau đây sẽ giúp bạn giảm thiểu những nguy cơ kể trên và mua được một chiếc xe vừa ý:
1. Chọn những chiếc xe còn bảo hành
Hầu hết các dòng xe hiện nay đều có thời gian bảo hành ít nhất là 3 năm hoặc 50.000km (máy và hệ thống dẫn động thường có thời gian bảo hành lâu hơn). Điều này có nghĩa là nếu bạn mua một chiếc xe được sử dụng chưa quá 3 năm, bạn sẽ không phải lo lắng về phí bảo hành sửa chữa trong vòng ít nhất một năm. Tuy nhiên, bạn nên chắc chắn rằng phiếu bảo hành xe vẫn còn hợp lệ khi chiếc xe được chuyển giao quyền sở hữu.
2. Kiểm tra kỹ chiếc xe mà bạn muốn mua
Ngay cả khi hãng sản xuất hoặc dòng xe đó nổi tiếng về chất lượng và độ tin cậy thì bạn cũng không thể chắc chắn rằng chiếc xe mà bạn muốn mua vẫn còn tốt. Vì vậy, hãy nhờ một người thứ ba có kinh nghiệm, một thợ máy chẳng hạn, kiểm tra chiếc xe một cách cẩn thận trước khi quyết định có mua hay không và với mức giá bao nhiêu.
3. Đề nghị được xem phiếu bảo dưỡng xe
Phiếu bảo dưỡng xe, nếu có, thường là một dấu hiệu tốt vì nó cho thấy chiếc xe được chăm sóc cẩn thận, và quan trọng hơn là bằng chứng cho thấy chiếc xe không có dấu hiệu hỏng hóc hay thay đổi nghiêm trọng nào.
Nếu không có phiếu bảo dưỡng thì bạn nên cẩn trọng. Điều này không có nghĩa là chiếc xe không tốt, nhưng bạn cũng nên tự hỏi tại sao người bán không giữ lại một bằng chứng quan trọng chứng tỏ rằng chiếc xe đã được bảo trì và gìn giữ một cách kỹ càng. Trong trường hợp này, bạn lại càng nên nhờ một người thợ máy đáng tin cậy để kiểm tra toàn bộ chiếc xe một lần nữa trước khi quyết định mua xe.
4. Kiểm tra nguồn gốc xuất xứ của chiếc xe
Bằng cách ghi lại mã số VIN (Vehicle Identification Number, hay còn gọi là Số khung, số máy). Tất cả các xe khi gặp tai nạn, lụt lội, đổi biển, đổi chủ hoặc đưa đi đăng kiểm đều được ghi vào bản ghi báo cáo tiểu sử của chiếc xe. Những hỏng hóc nặng hay các đợt thu hồi đều được nhà sản xuất ghi theo số VIN. Nói chung, số VIN là "chứng minh thư" của một chiếc xe sau khi xuất xưởng. Các cơ quan như cảnh sát, bảo hiểm, đăng kiểm sẽ ghi tình trạng của chiếc xe theo số VIN chứ không theo biển số.
ZanZan (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment